Bé yêu bình thường hay líu lo kể chuyện là thế là thế, nay bỗng hóa chú gà cứ khù khụ ho liên tục khiến mẹ không khỏi sốt ruột. Chưa kể, cơn ho lại kéo dài khiến bé không thể thở, ho xong hít sâu nghe “ót” một cái như tiếng gà kêu. Nếu tiếng ho của bé đi kèm những dấu hiệu này, rất có thể bé yêu đang bị “tấn công” bởi ho gà đấy mẹ ơi!
Ho gà lại thường khiến các mẹ lắng lo vì khả năng lây qua đường hô hấp hoặc tiếp xúc trực tiếp qua nước bọt, lây khi nói chuyện hoặc tiếp xúc với đồ vật bị nhiễm dịch tiết đường hô hấp của người mắc bệnh. Nguyên nhân của bệnh lý ho gà bắt nguồn từ một loại vi khuẩn tên Bordetella pertussis. Vi khuẩn này có thể “ghé thăm” khi con ở độ tuổi bất kỳ, nhưng chủ yếu là bé dưới 1 tuổi chưa tiêm phòng hoặc chưa tiêm đủ 3 mũi cơ bản.
Mẹ có thể an tâm phần nào vì ho gà là một bệnh lý hiếm gặp nếu bé được tiêm vaccin đầy đủ. Tuy nhiên, vì nhiễm trùng ho gà ở trẻ sơ sinh có thể đặc biệt nghiêm trọng nên cha mẹ cần lưu ý tới những biểu hiện ho của bé để ứng phó kịp thời. Bác sĩ Tuấn Như chia sẻ: “Các triệu chứng của ho gà có thể xuất hiện theo giai đoạn với biểu hiện khác nhau. Giai đoạn xuất tiết không đặc hiệu là lúc bé rất dễ lây nhiễm trong vòng 3-7 ngày với các triệu chứng như ho nhẹ, không sốt, chảy mũi trong, hắt xì. Đôi khi, cha mẹ để ý sẽ không có giai đoạn này. Tiếp theo đó là giai đoạn kịch phát thường kéo dài từ 15 ngày đến 3 tuần. Dấu hiệu rõ nét nhất của bệnh là những cơn ho kéo dài, mỗi cơn từ 15-20 tiếng ho liên tiếp theo sau bởi tiếng rít khi ho. Bé thường sẽ ho rũ rượi, thành cơn, mỗi, càng về sau càng yếu và giảm dần. Biểu hiện nặng còn có thể bao gồm nôn trớ khi ho, ngừng thở, tím tái sau cơn ho, hoặc ngưng thở hay tím ở trẻ nhũ nhi. Thời kỳ hồi phục thường kéo dài 3 tháng, bé chỉ còn ho khan dai dẳng.”
Để điều trị ho gà ở trẻ dưới 6 tháng tuổi hoặc ở trẻ có các triệu chứng nặng, bác sỹ sẽ chỉ định cho nhập viện để bé được theo dõi và điều trị tích cực. Ngoài ra đối với trẻ nhỏ trên 6 tháng tuổi và không có các dấu hiệu triệu chứng nặng, các bác sĩ có thể cho điều trị hỗ trợ tại nhà. Trong thời gian này bé được khuyến khích nên bú mẹ và uống đủ nước. Bác sĩ Như cũng căn dặn cha mẹ: “Tiêm vắc-xin đúng lịch là biện pháp tốt nhất để phòng ngừa, kiểm soát bệnh ho gà. Bé cần được tiêm đủ 3 mũi, và tiêm nhắc lại lúc 11-13 tuổi. Đối với người lớn, cần tiêm nhắc lại 10 năm một lần. Cha mẹ cũng cần đặc biệt lưu ý thêm đến việc tiêm vắc-xin DPT cho bất kỳ trẻ cùng nhà chưa được chủng ngừa đầy đủ để tránh lây nhiễm chéo.”
Nói vậy không có nghĩa mẹ có thể chủ quan đối với các bé lớn nha mẹ ơi! Bệnh ho gà còn có thể xảy ra ở trẻ lớn với thêm nhiều biểu hiện khác. Cụ thể, ở giai đoạn khởi phát, trẻ còn có thể khạc ra đờm trắng, màu trong, dính như lòng trắng trứng khi kết thúc cơn ho. Thậm chí, trẻ lớn hơn và thanh thiếu niên bị nhiễm ho gà có thể không có triệu chứng hoặc chỉ ho nhẹ mà không có bất kỳ biểu hiện đặc trưng nào (tức là kịch phát, ho khan, nôn sau ho).
Đối với trường hợp mắc bệnh ho gà ở trẻ lớn, do khả năng lây nhiễm cao, bé cần nghỉ học cách ly cho tới khi hết 5 ngày kháng sinh, hoặc nếu không dùng kháng sinh thì qua 21 ngày kể từ ngày bắt đầu triệu chứng. Cha mẹ cần dạy trẻ những biện pháp ngăn ngừa lây lan bệnh như: che tay khi ho, đeo khẩu trang, rửa tay thường xuyên. Bác sĩ Như đặc biệt nhắc cha mẹ lưu ý: “Ngay khi trẻ xuất hiện các dấu hiệu sốt cao, nôn nhiều, mất nước (khát nhiều, mệt mỏi, chóng mặt, lú lẫn, tiểu vàng đậm), cha mẹ cần đưa con đi khám ngay để được chẩn đoán và điều trị kịp thời”.
Để hỗ trợ điều trị ho gà ở trẻ lớn, cha mẹ có thể giúp bé kiểm soát cơn ho bằng cách hạn chế các hoạt động gây kích thích gây cơn ho như tập thể dục, hít phải không khí lạnh hay hút dịch mũi họng… Cha mẹ cũng cần chú ý cho bé uống nhiều nước và tăng calo trong khẩu phần ăn để cung cấp đủ năng lượng. Bác sĩ Tuấn Như căn dặn: “Nếu bé sốt nhẹ, cha mẹ nên chườm ấm để giảm nhiệt; có thể sử dụng thuốc hạ sốt paracetamol nếu con sốt cao trên 38.5 độ C.”
Trả lời