Ho ra máu - chỉ nghe tên thôi cũng khiến mẹ phải giật mình và lo lắng. Ấy vậy nhưng mẹ đừng hoảng hốt quá nhé bởi nếu chẳng may bé yêu bị ho ra máu, chúng ta phải thật bình tĩnh để xác định tình trạng mà bé đang gặp phải. Có rất nhiều nguyên nhân khác nhau khiến bé con bị ho ra máu, phổ biến nhất thường liên quan đến các vấn đề bên trong đường thở và phổi như nhiễm trùng đường hô hấp, hóc dị vật và giãn phế quản. Tuy vậy, ho ra máu cũng là dấu hiệu của tiềm ẩn không ít những bệnh lý nguy hiểm khác cần nhanh chóng phát hiện và chữa trị kịp thời. Ngay bây giờ, mẹ hãy tìm hiểu kĩ hơn về ho ra máu và các bệnh lý liên quan mà bé có thể mắc phải nhé.
*Thông tin khoa học sử dụng trong bài được tư vấn bởi bác sĩ CKII Tai Mũi Họng Nguyễn Tuấn Như
1. Giãn phế quản
Đây là một bệnh lý hiếm gặp và cực kỳ nguy hiểm đối với trẻ nhỏ. Nếu chẳng may bị mắc phải, bé yêu sẽ bị ho thường xuyên với tình trạng có máu và đờm đặc. Đi kèm với đó là các triệu chứng như sốt, đổ mồ hôi trộm hay ớn lạnh... Nguyên do của căn bệnh nguy hiểm này chủ yếu là do các bệnh lý di truyền nhưng cũng có nhiều trường hợp là do ảnh hưởng bởi sự giãn nở bất thường của khí phế quản. Nếu phát hiện những biểu hiện bất thường như trên ở bé, mẹ hãy nhanh chóng đưa bé đến cơ sở y tế gần nhất để được đo chức năng phổi và tìm ra giải pháp cụ thể, nếu không cẩn thận có thể dẫn đến những hậu quả khôn lường trong tương lai.
Vì vậy, bác sĩ Như khuyên mẹ hãy chú ý đến các triệu chứng của đợt kịch phát như ho ra máu kéo dài với đờm đặc màu vàng hoặc xanh để đưa bé đi khám kịp thời. Bên cạnh đó, trẻ cũng được khuyến cáo tiêm vacxin ngừa cúm và viêm phổi, ăn uống đầy đủ dưỡng chất và hạn chế tối đa khói thuốc lá và bụi bẩn, môi trường ô nhiễm.
Giãn phế quản là một tình trạng tiến triển ngày càng xấu đi bởi việc nhiễm trùng lặp lại nhiều lần. Vì vậy, việc điều trị dứt điểm là vô cùng quan trọng để giúp cho chức năng của phổi được khỏe mạnh và phát triển tốt nhất. Mẹ hãy luôn chú ý đến những triệu chứng dù là nhỏ nhất của bé yêu để phát hiện và ngăn chặn kịp thời mẹ nhé!
2. Dị vật đường thở
Giai đoạn từ 9-24 tháng cũng là lúc bé đang trên hành trình khám phá thế giới xung quanh, rất thích nhặt nhạnh, cầm nắm và cho mọi thứ vào miệng. Chỉ cần một giây lơ là của người lớn, bé có thể sẽ hít phải những vật nhỏ như hạt đậu, hạt giống hay đồ chơi, từ đó gây ra dị vật đường thở. Biểu hiện rõ nhất của tình trạng này là khi bé đột ngột bị sặc, ho sặc sụa (có thể có máu nếu bị tổn thương đường hô hấp) hoặc khò khè; có cơn ngạt thở, tím tái, vã mồ hôi, chảy nước mắt nước mũi…
Bác sĩ Tuấn Như đặc biệt khuyến cáo: “Đối với dị vật đường thở, xử trí ban đầu cực kỳ quan trọng, có tính chất cứu mạng. Khi trẻ bị dị vật đường thở hoặc nghi ngờ dị vật đường thở cần thực hiện thủ thuật để lấy dị vật ra ngoài. Nếu nơi cư trú ở quá xa cơ sở y tế và bé có triệu chứng khó thở nghiêm trọng cùng dấu hiệu tím tái, ngưng thở, cha mẹ phải thực hiện thủ thuật Heimlich ngay lập tức, đồng thời chuyển bé đến cơ sở y tế gần nhất.”
Để tránh tình trạng này, người lớn trong nhà cần lưu ý để xa tầm với của bé tất cả các vật dụng nhỏ có thể gây nguy hiểm, nhất là những vật trơn tròn, dễ rơi vào đường thở. Những thức ăn dễ hóc như hạt na, lạc, quất, hồng bì, hạt bí hạt dưa… cần liệt vào “danh sách đen” trong thực đơn cho bé ở độ tuổi này. Đặc biệt, khi con đang ngậm đồ ăn, cha mẹ cần nhớ không mắng, ép con nuốt nhanh để tránh làm con khóc, giật mình dẫn đến bị sặc, dị vật đường thở.
3. Ho lao
Mẹ có biết rằng ho lao đang là một bệnh lý khá phổ biến hiện nay không nhỉ? Dù vậy, đây lại là một bệnh lý vô cùng nguy hiểm! Nếu chẳng may mà bé con bị ho lao, rất có thể nguyên nhân là do các bệnh lý nhiễm trùng hoặc đã bị phơi nhiễm với bệnh nhân ho lao từ trước đó. Mẹ hãy để ý kỹ, nếu bé yêu có các dấu hiệu như ho mạn tính, sụt cân, sốt kéo dài hay nổi hạch... thì đó chính là dấu hiệu cơ bản của ho lao đấy mẹ ạ.
Tuy nguy hiểm là vậy, nhưng mẹ đừng quá lo lắng nhé vì hiện tại, đã có rất nhiều biện pháp để điều trị triệt để ho lao rồi đó. Bác sĩ Như khuyên mẹ hãy cho con được điều trị đủ theo phác đồ theo khuyến cáo của chương trình phòng chống lao quốc gia để có thể xử lý nhanh chóng tình trạng ho lao. Bên cạnh đó, nếu phát hiện thêm những ca nhiễm ho lao thì mẹ con mình hay cùng nhau thông báo với chính quyền địa phương ngay để căn bệnh không gây ảnh hưởng mọi người xung quanh nhé.
4. Áp-xe phổi
Nếu một hài nhi đang nằm trong vòng tay mẹ khi mẹ đọc những dòng này thì mẹ có thể thở phào nhẹ nhõm. Bởi áp-xe phổi là bệnh lý hiếm gặp ở trẻ sơ sinh. Tuy vậy bệnh lý này có thể gặp ở mọi lứa tuổi, thường gặp ở nam nhiều hơn nữ.
Triệu chứng rõ rệt nhất để phân biệt với các bệnh lý khác là tình trạng ho nhiều, thậm chí khạc ra đờm lẫn mủ hoặc lẫn máu ở giai đoạn toàn phát. Đây cũng là bệnh lý cần được nhập viện điều trị và theo dõi sát sao bởi các y bác sĩ. Bác sĩ Như nhắc cha mẹ theo dõi: "Khi thấy bé yêu có dấu hiệu khó thở, thở nhanh, tím tái, đau ngực dữ dội, đặc biệt ho khạc đờm lẫn máu, cha mẹ nên đưa con đi vào viện càng sớm càng tốt. Ngay cả sau khi xuất viện, cha mẹ cũng không nên chủ quan, thay vào đó nên đưa trẻ đi tái khám tái khám 2 tuần 1 lần trong tháng đầu, và 1 tháng 1 lần trong 3 tháng tiếp theo sau khi xuất viện."
5. Viêm phế quản cấp tính
Khi dịch mũi của bé chuyển màu xanh, da tím tái xanh xao, kèm theo cơn ho khan hoặc ho có đờm, rất có thể căn bệnh viêm phế quản cấp tính đã “ghé thăm” bé mất rồi. Bác sĩ Như chia sẻ: "Viêm phế quản cấp có thể tự khỏi trong vòng 1-3 tuần. Nhưng nếu không được chăm sóc và điều trị đúng lúc, bệnh có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm."
Những cơn ho, thậm chí sốt cao khiến bé chẳng muốn chơi, muốn cười như mọi khi. Bởi thế, bé sẽ cảm ơn mẹ nhiều lắm khi mẹ cho bé uống đủ nước và dùng máy tạo độ ẩm không khí trong phòng đấy. Mẹ cũng đừng quên vệ sinh mũi cho bé với nước muối sinh lý và giảm ho với siro Prospan, mật ong hay kẹo ngậm, mẹ nhé.
Bác sĩ Như nhắn nhủ: "Trường hợp bệnh tình của bé chuyển nặng, mẹ nên cho bé đi khám nếu có các triệu chứng như: khó thở, tím tái, sốt từ 39 độ C, không đáp ứng với thuốc hạ sốt hoặc co giật; ho kéo dài không ngừng hoặc ngủ li bì, bỏ bú."
6. HIV
HIV đã từ lâu luôn là cơn “ác mộng” vô cùng đáng sợ gây ra biết bao sự lo âu, mệt mỏi. Bé yêu thì hầu như sẽ không thể tự bị nhiễm HIV mà có đến hơn 90% là di truyền từ mẹ sang đó. Các triệu chứng của HIV ở trẻ nhỏ cũng vô cùng đa dạng nhưng biểu hiện chủ yếu là ở các hiện tượng nhiễm trùng mẹ ạ. Do đó các mẹ có thể hoàn toàn yên tâm nếu mình và bé không có tiếp xúc với các yếu tố nguy cơ lây nhiễm với bệnh này.
Tuy nhiên nếu không may mà mẹ và bé thuộc nhóm nguy cơ cao đối với bệnh này. Nếu mẹ thấy bé yêu bị sốt, tiêu chảy, ho ra máu kèm đờm mà kéo dài trên 1 tháng thì mẹ hãy nhanh chóng đưa bé đi khám và tư vấn với bác sĩ nhé!
Nếu chẳng may mẹ bị nhiễm HIV từ trước, bác sĩ Như khuyên mẹ hãy: “ Điều trị thuốc kháng virus HIV (AZT) cho mẹ ngay lúc mang thai, để dự phòng lây nhiễm HIV cho con.” Bởi lẽ, nguy cơ lây nhiễm HIV từ mẹ sang bé lên tới 30-40%. Mẹ cũng không nên nuôi con bằng sữa non của mình vì trong sữa cũng có virus HIV mà nên cân nhắc chuyển sang các loại sữa dinh dưỡng. Mẹ con mình cũng hãy đi thăm khám định kỳ, để phát hiện sớm tiến triển của bệnh, tình trạng miễn dịch và nhiễm trùng mẹ nhé.
7. Cúm H1N1
Virus nguy hiểm mang tên không xa lạ “H1N1” có thể là nguyên nhân khiến bé yêu mệt mỏi, sổ mũi và ho thường xuyên.. Bác sĩ Như đã dặn mẹ rằng, đây là loại virus chứa gen virus cúm người, lợn và gia cầm và có diễn biến lâm sàng đa dạng, thậm chí có thể gây tử vong. Tại trẻ nhỏ, nếu bị nhẹ thì có thể tự khỏi trong 7-10 ngày bằng thuốc hạ sốt và bổ sung nước cho cơ thể. Tuy vậy, nếu mẹ thấy các triệu chứng của con nặng dần lên thì hay nhanh chóng nhập viện để điều trị và cách lý cho bé nhé.
Cúm H1N1 là một bệnh rất dễ lân lan và bùng phát nhanh chóng. Bác sĩ Như khuyên mẹ hãy cho trẻ mặc quần áo rộng rãi, thông thoáng và chườm ấm khi trẻ sốt cao, Đồng thời, thường xuyên dùng nước muối sinh lý để vệ sinh mắt, mũi và miệng thật sạch sẽ và bổ sung các thực phẩm giàu dinh dưỡng cho bé yêu mẹ nhé. Mẹ cũng đừng quên đưa bé đi tiêm phòng ngừa dịch cúm A/H1N1 bằng chủng ngừa vắc-xin cúm. Cả nhà ta hãy cùng tuân thủ cách ly chặt chẽ kết hợp với các biện pháp phòng dịch để ai cũng được khỏe mạnh và an toàn ngay thôi nào.
8. Chấn thương dập phổi
Đây là dạng thương tổn hiếm gặp và thường xảy ra bởi những tác động mạnh làm vỡ các mao mạch phổi, khiến phù hoặc máu tràn phế nang. Bác sĩ Như đã lưu ý là: “Phần lớn trẻ bị đụng dập phổi đều có một số mức độ khó thở nhấc định, giảm oxy máu hoặc suy hô hấp, hoặc ho ra máu...Tuy nhiên, nên nghi ngờ tràn máu phổi ở bất kỳ trẻ nào có chấn thương đè nặng vào lồng ngực, cho dù có hay không dấu hiệu suy hô hấp hoặc tổn thương thành ngực.”
Bác sĩ cũng đã căn dặn mẹ phải: “chú ý đưa bé tới khám ngay nếu như có những dấu hiệu như khó thở, thở nhanh, ho ra máu, đau ngực dữ dội và sốt cao…” Bên cạnh đó, ngay cả khi được các bác sĩ đánh giá và chữa trị thì mẹ vẫn cần theo dõi bé liên tục và tái khám 24 - 48 giờ sau khi xuất viện. Sau đó, cần cho hãy đưa trẻ tái khám mỗi tuần một lần trong tháng đầu tiên để theo dõi tình trạng sức khỏe mẹ nhé!
9. Xơ phổi vô căn
Bé yêu thi thoảng lại bảo với mẹ rằng bé mệt lắm! Tự nhiên bé thấy việc thở rất khó khăn và nặng nhọc. Mẹ nghe vậy cũng chú ý và thấy rằng tình trạng ho khan, ít đờm và thậm chí là ho ra máu của bé ngày càng nhiều hơn trước. Rất có thể bé đã mắc phải hội chứng xơ phổi vô căn rồi mẹ ạ. Đây là một nhóm bệnh hiếm gặp những vô cùng nguy hiểm bởi vì y học hiện tại vẫn chưa có phương pháp điều trị tối ưu. Hội chứng xơ phổi vô căn là một nhóm bệnh về phổi khiến thành phế nang dày lên do hóa sẹo và không rõ nguyên nhân.
Những biện pháp nhằm kiểm soát tối đa các triệu chứng của hội chứng xơ phổi vô căn cũng rất đa dạng, từ thở Oxi đến kết hợp uống thuốc điều trị...Bác sĩ Như khuyên mẹ, để phòng ngừa hội chứng này thì cha mẹ cần theo dõi những dấu hiệu của trẻ để phát hiện sớm và điều trị kịp thời. Đảm bảo trẻ nhận đủ lượng dịch nhu cầu hàng ngày theo tuổi cũng như khuyến khích trẻ bú mẹ và ăn đường miệng. Đặc biệt, cần hạn chế các yếu tố kích thích như: Không để vật nuôi trong nhà, tránh dùng các loại thuốc xịt như xịt muỗi, nước hoa, xịt phòng, không hút thuốc lá nơi gần trẻ, giữ cho chỗ ngủ ngăn nắp, sạch sẽ và tránh gió lạnh. Mẹ cũng hãy tích cực cho trẻ đi khám định kỳ để theo dõi và đánh giá tình trạng bệnh mẹ nhé.
10. Hội chứng Goodpasture
Hội chứng Goodpasture là một dạng bệnh tự miễn hiếm gặp nhưng cũng vô cùng nguy hiểm, gây xuất hiện phế nang, viêm cầu thận cùng các tiểu động mạch, tĩnh mạch và mao mạch. Diễn biến của căn bệnh này khá nhanh và có các biểu hiện lâm sàng của bệnh viêm cầu thận. Mẹ hãy chú ý nếu như bé hay đau mỏi toàn thân, sụt cân hoặc đau khớp. Trong giai đoạn này, bé cũng sẽ hay khó thở, ho và tiểu ra máu do thiếu sắt và có phế nang ở phổi.
Bác sĩ Như khẳng định: “Đối với hầu hết các trẻ bị bệnh, nên sử dụng biện pháp lọc máu cùng với liệu pháp ức chế miễn dịch từ 6 đến 12 tháng tùy theo sự đáp ứng của cơ thể trẻ.” Nếu không được điều trị kịp thời thì bệnh có thể tiến triển nhanh và phát triển thành bệnh thận giai đoạn cuối, vậy nên việc chẩn đoán sớm là vô cùng quan trọng để đạt được kết quả tốt nhất. Mẹ cũng chú ý hạn chế để bé yêu tiếp xúc với khói thuốc lá và các hóa chất độc hại dễ gây tổn thương phổi nhé.
11. Lupus ban đỏ hệ thống
Lupus ban đỏ hệ thống là một căn bệnh nguy hiểm và không thể chữa khỏi hoàn toàn, tuy vậy, hiện nay các bác sĩ cũng đã rất nỗ lực để giảm thiểu triệt để các triệu chứng mà căn bệnh này mang tới. Đây cũng là một căn bệnh tự miễn gây tổn thương đa cơ quan, gây phản ứng lan rộng ở mạch máu và mô liên kết. Có rất nhiều nguyên nhân gây Lupus ban đỏ ở trẻ em như di truyền, môi trường và các tác nhân nhiễm khuẩn. Trẻ nhỏ có thể bị xuất huyết giảm tiểu cầu, thiếu máu, viêm phổi, suy hô hấp cùng với ho khan, ho ra máu… Da bé có thể xuất hiện những hồng ban có dạng hình cánh bướm đặc trưng. Để điều trị căn bệnh này, bé sẽ được chỉ định các loại thuốc chống viêm không steroid để kiểm soát các biến chứng không mong muốn. Nặng hơn sẽ phải tiêm tĩnh mạch hàng tháng để ức chế virus gây bệnh.
Bác sĩ Như khuyên cha mẹ có thể áp dụng các phương pháp như tránh ánh nắng trực tiếp, thoa kem chống nắng, rửa tay thường xuyên kết hợp với liệu trình ăn ngủ thích hợp: “Cha mẹ cũng nên trò chuyện và tâm sự thường xuyên với trẻ để tránh trẻ bị căng thẳng cũng như giúp trẻ giải tỏa áp lực bất cứ khi nào có thể.”
12. Hội chứng Behcet
Nếu bé yêu xuất hiện những vết loét trên miệng, gây đau đớn như những mụn nhiệt hay gặp thì rất có thể bé đã mắc phải hội chứng Behcet. Đây là một tình trạng rối loạn hiếm gặp gây viêm mạch máu toàn thân khiến nhiều cơ quan như miệng, phổi.. bị tổn thương.
Các triệu chứng của hội chứng Behcet xảy ra trên khắp cơ thể. Ở phổi, sẽ dẫn đến các tình trạng như ho ra máu, viêm màng phổi và thậm chí gây nguy hiểm tính mạng. Ở miệng, bé sẽ xuất hiện những vết thương tròn rồi nhanh chóng biến thành những vết loét gây đau đớn dữ dội. Bên cạnh đó, mắt bé cũng có thể bị viêm màng bồ đào gây đỏ và sưng, mờ; các khớp xương thì đau nhức còn da thì trở nên mềm và nổi đỏ. Theo bác sĩ Như, điều trị Behcet cần phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của tình trạng bệnh, phổ biến nhất là các loại thuốc chống viêm như (Advil, Motrin…) Cha mẹ cần linh hoạt điều chỉnh lịch làm việc của bản thân để luôn quan tâm đến trẻ mọi lúc mọi nơi. Trẻ cũng có thể tập thể dục vừa phải để cảm thấy tốt hơn giữa các đợt bùng phát bệnh của Behcet.
13. Tứ chứng Fallot
Mẹ có biết rằng, đây là một bệnh tim bẩm sinh thường gặp và chiếm đến 75% tỉ lệ các bệnh tim bẩm sinh không? Tứ chứng Fallot gồm 4 tổn thương là thông liên thất, hẹp động mạch phổi, động mạch chủ cưỡi ngựa và phì đại thất phải. Bé sẽ rất dễ có các dấu hiệu tím tái da, môi và đầu ngón tay, chân. Bé cũng có thể bị ho ra máu, chậm lớn, thậm chí ngón tay phình to như dùi trống trong khi móng tay lại khum vào… Nếu mắc phải tứ chứng Fallot, khả năng rất cao bé sẽ phải phẫu thuật để phòng ngừa và điều trị triệt để. Bác sĩ Như bảo mẹ: “ Trẻ sẽ được phẫu thuật sửa chữa lại tim. Bác sĩ sẽ đóng lỗ giữa hai tâm thất, sửa chữa hẹp van động mạch phổi và mở rộng động mạch phổi để tăng lưu lượng máu đến phổi.” Ở trẻ sơ sinh, cũng cần phải trải qua phẫu thuật tạm thời trước khi sửa chữa trong tim, bằng cách đặt một đường vòng shunt giữa động mạch chủ và động mạch phổi.
Mẹ cũng cần xác định, sau cuộc phẫu thuật thì bé sẽ cần chăm sóc suốt đời với bác sĩ tim mạch. Mẹ hãy luôn mạnh mẽ để theo dõi những dấu hiệu bất thường của bé như: Khó thở, Da xanh, Co giật, Yếu cơ… Khi tái khám định kỳ, bé cũng sẽ được theo dõi các dấu hiệu bệnh, được đo điện tâm đồ ECG, X-quang ngực, siêu âm tim định kỳ vào các thời điểm 1 tuần, 1 tháng, 3 tháng, 6 tháng, 9 tháng, 12 tháng sau phẫu thuật.
14. Cao huyết áp động mạch phổi
Những dấu hiệu như khó thở, thở nhanh, mệt, chóng mặt, đau ngực.. là biểu hiện ban đầu của bệnh cao huyết áp động mạch phổi. Ngoài ra, bé cũng có thể mắc các chứng như chán ăn, chậm phát triển, vã mồ hôi và tim đập nhanh. Để giảm thiểu tối đa các triệu chứng của bệnh, bác sĩ Như xác định sẽ phải giảm áp lực động mạch phổi và tăng cung lượng tim, ngăn chặn sự tiến triển của bệnh ở bé. Tùy vào từng trường hợp mà trẻ sẽ phải đặt máy thở Oxy để duy trì độ bão hòa máu, nhẹ hơn có thể sử dụng các loại thuốc lợi tiểu hoặc chống đông máu để duy trì và đưa khí máu về càng gần trị số bình thường càng tốt.
Bác sĩ Như cũng khuyên mẹ hãy theo dõi từ 3 đến 6 tháng ở những bé đang ổn định và 1 đến 3 tháng ở những trường hợp nặng hơn. Đồng thời, mẹ áp dụng chế độ hạn chế ăn muối và khuyến khích bé thực hiện một số hoạt động, đi bộ hoặc các bài tập nhẹ khác. Tuy nhiên, cần thảo luận với bác sĩ trước khi bắt đầu các bài tập thể dục để biết chắc chắn những bài tập đó phù hợp với tình trạng của bé hay không mẹ nhé..,
15. Suy tim có phù nhồi
Bệnh lý này bắt nguồn từ dị tật bẩm sinh của bé, là hiện tượng tim không co bóp được làm tăng áp lực mao mạch phổi, gây ra thoát dịch ra khỏi lòng mạch vào khoảng kẽ và phế nang. Mẹ hãy để ý nếu bé có biểu hiện thở nhanh bất thường, khó thở, tức ngực và ho ra máu... thì không nên chủ quan mà cho rằng đó là những bệnh nền bên ngoài. Suy tim có phù nhồi còn làm bé mệt mỏi, buồn nôn, chán ăn, đổ mồ hôi nhiều trong khi tăng cân bất thường. Bác sĩ Như bảo mẹ rằng: “Phương pháp điều trị suy tim sẽ được xác định bởi các chuyên gia tim mạch dựa trên các yếu tố: Tuổi, tình trạng chung và bệnh sử; Khả năng chịu đựng của bé đối với các loại thuốc, quy trình hoặc liệu pháp cụ thể; Kỳ vọng về tiến trình của bệnh; Sự lựa chọn của gia đình.”
Nếu nguyên nhân gây suy tim là do bẩm sinh thì bé sẽ cần phải thực hiện phẫu thuật. Tuy vậy, nếu do các nguyên nhân khách quan khác thì có thể sử dụng các loại thuốc điều trị phù hợp như Digoxin, thuốc lợi tiểu, Thuốc ức chế men chuyển angiotensin...Mẹ cũng nên biết rằng, tình trạng suy dinh dưỡng rất thường xuyên xảy ra ở trẻ mắc bệnh tim bởi trẻ có nhu cầu năng lượng cao hơn bình thường, trong khi sự hấp thu lại bị giảm. Vì vậy, khi chăm sóc trẻ, bố mẹ cần phải rất kiên nhẫn và cẩn thận, để đảm bảo cung cấp đủ nhu cầu dinh dưỡng cho bé phát triển.
16. Bệnh phổi biệt lập
Đây là hiện tượng một vài mô phổi nằm tách biệt khỏi phần còn lại của phổi và không được nối thông với đường thở, đồng thời không có chức năng hô hấp. Tùy thuộc vào vị trí thương tổn mà các biểu hiện của bệnh cũng vô cùng đa dạng và khó lường trước được. Hầu hết trẻ sơ sinh bị bệnh đều không có triệu chứng khi sinh mà được xác định tình cờ trong quá trình đánh giá sau sinh về các dị tật bẩm sinh khác. Bé yêu khi mắc phải có thể có các triệu chứng như: viêm phổi với sốt cao, ho, thỉnh thoảng ho máu, đau tức ngực, khó thở…
Việc chẩn đoán thường được xác định chẩn đoán thông qua việc chụp cắt lớp vi tính hoặc chụp cộng hưởng từ. Để điều trị dứt điểm thì việc phẫu thuật loại bỏ phần phổi dư thừa này là cần thiết. Khi phát hiện bệnh ở bé yêu, mẹ cần cho bé mổ sớm để tránh nhiễm khuẩn, ảnh hưởng đến các vùng phổi bình thường. Nếu được điều trị kịp thời, đa số trẻ nhỏ sẽ không cần chăm sóc theo dõi lâu dài.
17. Túi phình động mạch phổi
Đây là một loại dị tật bẩm sinh khiến động và tĩnh mạch nối thông thường bị giãn và chứa nhiều máu, căng phồng như những " khối u máu". Bé con sẽ cảm thấy sức khỏe yếu, nhanh chóng mệt mỏi khi hoạt động mạnh. Thỉnh thoảng, bé cũng sẽ đau đầu, chóng mặt và có cảm giác bị thổi “ù ù” trong tai nữa đó. Nếu mẹ thấy bé có các dấu hiệu như trên đi kèm ho nhiều, ho ra máu và niêm mạc tím tái thì chỉ có một phương pháp điều trị duy nhất là ngoại khoa. Bác sĩ Như tâm sự với mẹ rằng: “ Bé sẽ được phẫu thuật cắt bỏ phình thông động - tĩnh mạch, cùng với thuỳ hay phân thuỳ phổi.”
Đây là loại dị tật cực kì nguy hiểm, cần can thiệp tích cực sớm để giảm thiểu đáng kể nguy cơ vỡ túi phình và giúp trẻ có cuộc sống bình thường. Vì vậy mẹ nhớ theo dõi những dấu hiệu nghi ngờ bệnh như ho ra máu, tím tái để đưa bé đi khám và điều trị kịp thời nhé.
18. U khí phế quản
Mặc dù hiếm gặp, u khí phế quản lại có thể gây ra những triệu chứng và ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe bé đấy, mẹ ạ. Chẳng thế mà bác sĩ Tuấn Như đã dặn cẩn thận: “Cha mẹ phải cực kỳ “cảnh giác” với những triệu chứng như: khò khè, thở rít và khó thở; khàn giọng, đau họng; nuốt nghẹn, vướng. Nặng hơn, bé có thể xuất hiện những triệu chứng như ho ra máu; đau tai, nghe kém, ù tai; có khối u cục nổi lên trên cổ và cần được đưa đi khám bác sĩ nhanh chóng.”
Phương pháp phẫu thuật điều trị u khí quản bao gồm: cắt bỏ triệt để u, tái tạo lại khí quản hoặc bức xạ, kết hợp với hóa trị và phẫu thuật. Dù điều trị theo phương pháp nào, bé đều có thể gặp phải những vấn đề về nhai, nuốt, nói. Tuy nhiên, cha mẹ cũng đừng quá lo lắng, vì những triệu chứng này đều có thể cải thiện khi trẻ điều trị phục hồi chức năng. Ngoài ra, bác sĩ Tuấn Như lưu ý: “Sau khi điều trị và phẫu thuật, cần tuân thủ tái khám định kỳ theo lịch hẹn của bác sĩ để theo dõi tình trạng sức khỏe của trẻ và sự tái phát của khối u. Cha mẹ cũng cần theo dõi nếu trẻ có những dấu hiệu và triệu chứng của u tái phát như ho ra máu, khó thở, tức ngực…”
19. U phổi
Dù hiếm gặp nhưng đây lại là căn bệnh quái ác nhất và khó có thể xác định chính xác những dấu hiệu của nó. Bác sĩ Như đã kể với mẹ nghe về tình trạng ung thư biểu mô phổi xảy ra ở trẻ em khi u phổi thường ở giai đoạn tiến triển cực kỳ nguy hiểm. Tuy vậy, có một số dấu hiệu mẹ nên lưu ý để tìm ra bệnh lý sớm nhất cho bé. Nếu bé yêu sẽ thường ho dai dẳng, có vệt máu bên trong đờm; Khó thở và đau ở vùng ngực, đau bụng, sưng cổ và sưng mặt; Có những cơn viêm phế quản kèm sốt kéo dài… thì là những dấu hiệu đầu tiên của u phổi đó.
Nguy hiểm là vậy, nên việc điều trị u phổi cũng rất cần sự quyết tâm của cả mẹ và bé. Bác sĩ sẽ loại bỏ hoàn toàn khối u, thùy bị ảnh hưởng của phổi hoặc toàn bộ phổi bằng phương pháp bức xạ, kết hợp với hóa trị và phẫu thuật. Bên cạnh đó, mẹ cũng có thể cân nhắc dùng liệu pháp laser để tiêu diệt các tế bào ung thư trong phổi.
Kết thúc cuộc phẫu thuật, mẹ hãy nhớ đưa bé đi tái khám theo định kỳ để theo dõi tình trạng sức khỏe của bé và sự tái phát của khối u. Nhớ rằng, phải hạn chế tối đa cho bé yêu tiếp xúc với khói thuốc và hóa chất độc hại và xây dựng một chế độ ăn đầy đủ dưỡng chất và vitamin để bé phục hồi và luôn khỏe mạnh mẹ nhé.
Trả lời