Mẹ nào mà chẳng sốt ruột, lo lắng khi thấy bé nhà mình cứ ho mãi không thôi? Nếu bé ho liên tục trên 4 tuần, đó là dấu hiệu cho thấy bé đang bị ho mạn tính (ho kéo dài) đấy mẹ ơi. Đa số các trường hợp ho kéo dài đều gặp ở trẻ nhỏ 2-3 tuổi, và chỉ khoảng 5-10% trẻ ở độ tuổi 6-11 tuổi gặp phải tình trạng này. Là biểu hiện tưởng chừng vô cùng quen thuộc, ho mạn tính thực chất “tiềm ẩn” không ít bệnh lý khác nhau đấy mẹ ạ.
Cùng tham khảo bài viết dưới đây để tìm hiểu về các bệnh lý này và cách phòng ngừa mẹ nhé!
*Thông tin khoa học sử dụng trong bài được tư vấn bởi bác sĩ BS.CKII Tai Mũi Họng Nguyễn Tuấn Như
1. Trào ngược dạ dày thực quản
Trào ngược dạ dày thực quản - căn bệnh nghe chừng phức tạp này thực ra lại khá “quen mặt” với các mẹ bỉm sữa qua cách gọi phổ biến hơn là “trớ”. Trào ngược dạ dày thực quản sinh lý thường tự hết khoảng 85% ở bé dưới 12 tháng và khoảng 95% ở bé dưới 18 tháng. Bác sĩ Như cũng lưu ý: “Đây là một tình trạng bệnh mạn tính, do đó cha mẹ cần hiểu về các bước điều trị, theo dõi các triệu chứng nặng biểu hiện ở hô hấp, tai mũi họng của bé như: ho khan kéo dài, ho đêm; khò khè kéo dài, viêm xoang, viêm tai giữa, viêm thanh quản tái phát thường xuyên.” Bé quấy khóc nhiều, nôn ói thường xuyên ngay sau bữa ăn, tần suất tăng lên khi đổi tư thế cũng là “gợi ý” cho thấy có thể con đang bị trào ngược dạ dày thực quản đó mẹ nhé.
Để hạn chế tình trạng khó chịu này cho bé, cha mẹ nên lưu ý tới những chi tiết “nhỏ nhưng dễ bị bỏ ngỏ” như: tránh mặc quần áo quá chật, băng bụng cho con; điều trị tốt các triệu chứng ho, táo bón; giữ môi trường sống thông thoáng, không khói thuốc lá. Ngoài ra, chế độ dinh dưỡng cũng đóng góp một phần quan trọng trong việc phòng tránh và điều trị tình trạng này tại nhà. Bác sĩ Tuấn Như khuyên mẹ nên: “Chia nhỏ bữa ăn, cho con ăn chậm hơn. Đồng thời lưu ý không đặt bé nằm ngay sau bữa ăn, và cho bé nằm đầu cao khi ngủ.”
Với bé ở độ tuổi lớn hơn, bệnh trào ngược dạ dày thực quản có thể biểu hiện ở nhiều triệu chứng như buồn nôn, nôn, ợ nóng, cảm nhận được vị chua ở cổ họng, nóng rát phía sau xương ức, đôi khi đau bụng hoặc đau khi nuốt, ợ chua, ợ nóng; ho khan kéo dài, ho đêm, kèm khò khè; v.v. Để hạn chế và điều trị những triệu chứng này, cha mẹ chỉ cần giúp con điều chỉnh lối sống và ăn uống khoa học, tránh các thức ăn kích thích và đồ chứa nhiều dầu mỡ, acid, tránh ăn đêm. Tuy nhiên, bác sĩ Như vẫn nhắc nhở cha mẹ: “Cần cho con đi khám bác sĩ ngay nếu có các triệu chứng như: nôn liên tục, đặc biệt nôn ra máu hoặc bị sụt cân liên tục; thường xuyên ợ nóng, đau bụng và ngực; đau, khó chịu khi nuốt; khò khè, ho khan mạn tính, khản giọng; viêm phổi tái đi tái lại.”
2. Rò khí thực quản
Rò khí thực quản hay rò thực quản là tình trạng xuất hiện một lỗ thông bất thường giữa thực quản và khí quản, khiến thức ăn từ thực quản sẽ lọt qua đoạn rò vào trong phổi, gây ra viêm phổi. Nhưng may mắn thay, đây là một dị tật bẩm sinh vô cùng hiếm gặp với tỷ lệ khoảng 1/3000, nên mẹ cũng không nên quá lo lắng đâu nha.
Không quá khó để mẹ phát hiện những triệu chứng của rò khí thực quản. Các triệu chứng thường xuất hiện từ lúc bé mới sinh như chảy dãi, nghẹn, cùng với các biểu hiện tắc nghẽn đường thở, khó cho ăn. Đặc biệt, nếu thấy bé có dấu hiệu sặc sau khi ăn hoặc uống nước, ho dữ dội và kéo dài, thậm chí xuất hiện tím tái, khó thở, đó có thể là triệu chứng cho thấy con bị rò thực quản.
Rò thực quản là một dị tật bẩm sinh cần được điều trị sớm. Tuy nhiên, trong thời gian chăm sóc cho bé, cha mẹ cũng nên nắm rõ một số kiến thức liên quan đến cách cho bé ăn, bú để cung cấp đủ dinh dưỡng và bảo vệ chức năng phổi. Cụ thể, bác sĩ Tuấn Như khuyên: “Cha mẹ nên cho bé ăn thức ăn đặc hơn bình thường, chú ý nâng cao đầu của con để tránh trào ngược và hít dịch dạ dày.” Trong trường hợp bé không thể ăn được bình thường bằng đường miệng, bác sĩ sẽ chỉ định đặt ống nuôi ăn dạ dày tạm thời.
3. Dị vật đường thở
Giai đoạn từ 9-24 tháng cũng là lúc bé đang trên hành trình khám phá thế giới xung quanh, rất thích nhặt nhạnh, cầm nắm và cho mọi thứ vào miệng. Chỉ cần một giây lơ là của người lớn, bé có thể sẽ hít phải những vật nhỏ như hạt đậu, hạt giống hay đồ chơi, từ đó gây ra dị vật đường thở. Biểu hiện rõ nhất của tình trạng này là khi bé đột ngột bị sặc, ho sặc sụa (có thể có máu nếu bị tổn thương đường hô hấp) hoặc khò khè; có cơn ngạt thở, tím tái, vã mồ hôi, chảy nước mắt nước mũi…
Bác sĩ Tuấn Như đặc biệt khuyến cáo: “Đối với dị vật đường thở, xử trí ban đầu cực kỳ quan trọng, có tính chất cứu mạng. Khi trẻ bị dị vật đường thở hoặc nghi ngờ dị vật đường thở cần thực hiện thủ thuật để lấy dị vật ra ngoài. Nếu nơi cư trú ở quá xa cơ sở y tế và bé có triệu chứng khó thở nghiêm trọng cùng dấu hiệu tím tái, ngưng thở, cha mẹ phải thực hiện thủ thuật Heimlich ngay lập tức, đồng thời chuyển bé đến cơ sở y tế gần nhất.”
Để tránh tình trạng này, người lớn trong nhà cần lưu ý để xa tầm với của bé tất cả các vật dụng nhỏ có thể gây nguy hiểm, nhất là những vật trơn tròn, dễ rơi vào đường thở. Những thức ăn dễ hóc như hạt na, lạc, quất, hồng bì, hạt bí hạt dưa… cần liệt vào “danh sách đen” trong thực đơn cho bé ở độ tuổi này. Đặc biệt, khi con đang ngậm đồ ăn, cha mẹ cần nhớ không mắng, ép con nuốt nhanh để tránh làm con khóc, giật mình dẫn đến bị sặc, dị vật đường thở.
4. Hen suyễn
Hen là một bệnh hô hấp mạn tính mà các bé rất hay gặp, đặc trưng là những tiếng ho kèm khò khè thường xuyên. Cụ thể, bác sĩ Tuấn Như cho hay: “Biểu hiện của hen suyễn là khi bé có các đợt khò khè tái phát, thường kèm ho khan, khó thở và tức ngực, đặc biệt là khi những triệu chứng này thường xuyên tái lại hoặc nặng hơn về đêm và gần sáng. Một số biểu hiện khác của hen suyễn bao gồm tình trạng thở nhanh và gấp, mặt nhợt nhạt, ra mồ hôi.”
Hen suyễn là một tình trạng mạn tính nguy hiểm và rất dễ tái phát. Vì vậy, bác sĩ Tuấn Như khuyến cáo cha mẹ: “Việc chú ý nhận biết các dấu hiệu bé sắp lên cơn hen như ho, khò khè, khó thở, nặng ngực, thức giấc về đêm rất quan trọng cho việc điều trị của bé.” Ngay khi nhận thấy những cảnh báo như trên, cha mẹ nên đưa bé tới gặp bác sĩ để được điều trị kịp thời.
Để tránh hen suyễn thường xuyên “ghé thăm”, cha mẹ nên lưu ý không để vật nuôi trong nhà; tránh dùng các loại thuốc xịt như xịt muỗi, nước hoa, xịt phòng; không hút thuốc lá nơi gần bé. Đặc biệt, nơi ngủ của con cần được dọn dẹp ngăn nắp, sạch sẽ, tránh gió lạnh. Thực đơn của bé cũng cần “kiêng khem” hơn, tránh các thực phẩm dễ gây dị ứng như hải sản, đậu phộng, đồ chiên nướng…
5. Khí phế thũng phổi bẩm sinh
Nếu mẹ vẫn đang thắc mắc về cái tên phức tạp của căn bệnh này, thì đó là bởi đây là một căn bệnh hiếm gặp. Tuy nhiên, không quá khó để có thể phát hiện dấu hiệu của căn bệnh này, đặc biệt ở giai đoạn sơ sinh của bé. Mẹ cần để ý tới các triệu chứng như: tăng nhịp tim và nhịp thở, khó thở, thở khò khè, tím tái. Một số triệu chứng khác bao gồm đau tức ngực, ho nhiều, viêm phổi tái đi tái lại, chán ăn, ngủ không ngon, sút cân, v.v.
Việc điều trị bệnh lý khí phế thũng phổi bẩm sinh phụ thuộc vào độ nặng của triệu chứng. Tuy nhiên, bên cạnh việc điều trị, cha mẹ cũng cần lưu ý một số quy tắc đảm bảo sức khỏe cho bé, như: tránh xa khói thuốc lá, khói bụi, không khí ô nhiễm; tập thể dục mỗi ngày và giữ chế độ ăn uống cân bằng để cải thiện sức khỏe cũng như chức năng phổi. Để ngăn ngừa nhiễm trùng cho con, cha mẹ nên tránh để bé bị tiếp xúc với người đang bị cúm hay cảm lạnh, và tiêm vaccin ngừa cúm, phế cầu nếu cần. Ngoài ra, bác sĩ Như còn dặn: “Đối với những bé được điều trị bảo tồn hoặc có tổn thương phổi diện rộng, hay đã trải qua phẫu thuật, cha mẹ cần đưa con đi khám định kỳ để theo dõi chặt chẽ sự phát triển bình thường của phổi.”
6. Thông động - tĩnh mạch phổi bẩm sinh
Đây là một bệnh lý nguy hiểm, khi hệ thống tuần hoàn mạch máu tại phổi của bé phát triển lan rộng, lệch lạc. Tuy nhiên, mẹ có thể phần nào an tâm vì đây là một bệnh lý hiếm gặp. Bác sĩ Tuấn Như cho hay: “Triệu chứng thường gặp của trẻ bị thông động - tĩnh mạch phổi bẩm sinh bao gồm: nhanh mệt mỏi, khó thở và da tím tái khi lao động nặng, chóng mặt, đau đầu, ù tai. Ngoài ra, bé còn ho nhiều, có thể ho ra máu. Hình dạng ngón tay bị dùi trống cũng là một dấu hiệu phổ biến của bệnh.”
Hiện nay, phương pháp điều trị duy nhất cho tình trạng này là phẫu thuật. Bác sĩ Như cũng khuyến cáo: “Kể cả khi bé đã được phẫu thuật, cha mẹ vẫn cần sát sao theo dõi con liên tục và đưa con đi khám định kỳ theo chỉ dẫn của bác sĩ. Cha mẹ cần luôn trong trạng thái sẵn sàng đưa bé đi khám lại nếu nhận thấy bất kỳ triệu chứng nào dưới đây: sốt cao, quấy khóc liên tục; bỏ bú hoặc bú kém, nôn ói; bứt rứt, mệt lả đến li bì; khó thở, thở nhanh, ho nhiều; da tím, vã mồ hôi nhiều, chi lạnh…”
Bên cạnh đó, việc cung cấp đầy đủ dinh dưỡng cho con cũng vô cùng quan trọng. Đối với trẻ nhũ nhi, mẹ nên cho bú bất cứ khi nào con muốn vào cả ngày lẫn đêm, ít nhất 8 lần/ngày. Mẹ nên chú ý nâng cao đầu bé khi cho bú, không nên để bé bú lâu một lúc hoặc bú quá no, tránh làm bé bị mệt và sặc sữa. Đối với bé từ 4-6 tháng tuổi, cha mẹ có thể cho ăn thêm nếu thấy con vẫn đói sau mỗi lần bú hoặc không tăng cân như bình thường. Ngoài ra, mẹ cũng có thể cho bé tập ăn dặm 1-2 bữa bột từ loãng tới đặc dần với đầy đủ chất như bột của trẻ 6-12 tháng tuổi.
Bác sĩ Như cũng khuyên thêm: “Bé bị thông động - tĩnh mạch phổi bẩm sinh rất dễ bị nhiễm khuẩn đường hô hấp, đặc biệt là viêm phổi. Vì vậy để tránh biến chứng này, cha mẹ nên giữ ấm cho bé khi trời lạnh, hạn chế để bé tiếp xúc với nhiều khói bụi, khói thuốc lá…”
7. Viêm phổi kéo dài
Viêm phổi là căn bệnh mà mới chỉ nghe tên thôi đã khiến mẹ giật thon thót. Không lo sao được khi thấy con sốt cao, biếng ăn đến đờ đẫn, khi nghe những cơn ho nặng nề kèm tiếng thở rít không thôi, thậm chí cả những nhịp thở mệt nhọc của bé. Nhất là khi bé cứ liên tục tái phát 2-3 lần/ năm, khiến cả nhà đều loay hoay sốt ruột.
Bởi viêm phổi kéo dài là một tình trạng nguy hiểm, mẹ hãy theo dõi và chăm sóc bé thật sát sao, mẹ nhé. Để con nhanh hết bệnh hơn, cha mẹ nên chú ý cho bé nghỉ ngơi thoải mái, uống nhiều nước - đặc biệt những lúc có sốt. Bí quyết nho nhỏ là mẹ có thể chia nhỏ bữa ăn và tăng cường những món mềm, dễ tiêu lại giàu dinh dưỡng để “siêu nhân nhí” của cả nhà nhanh hồi phục nhé. Khi bị sốt trên 38,5 độ, mẹ có thể chườm ấm và cho bé uống thuốc hạ sốt theo chỉ định của bác sĩ. Cha mẹ cần chú ý lưu tâm, thuốc ức chế ho “lợi bất cập hại”, chẳng những không có tác dụng mà còn ẩn chứa tác dụng phụ nghiêm trọng. Các loại siro ho, mật ong hay kẹo ngậm ho có thể giúp bé dịu cơn ho một cách an toàn hơn.
Bác sĩ Như nhắn cha mẹ lưu ý: “Với tất cả các trường hợp viêm phổi nặng mang dấu hiệu như: khó thở, thở nhanh, da xanh, tím tái, sốt cao trên 39oC, co giật, trẻ ngủ li bì khó đánh thức, trẻ cần được đến ngay bệnh viện, phòng khám gần nhất.”
8. Ho gà
Bệnh ho gà thường khiến các mẹ lo lắng vì khả năng lây qua đường hô hấp hoặc tiếp xúc trực tiếp qua nước bọt. Bệnh ho gà bắt nguồn từ một loại vi khuẩn tên Bordetella pertussis, vi khuẩn này có thể “ghé thăm” khi con ở độ tuổi bất kỳ, chủ yếu là bé dưới 1 tuổi chưa tiêm phòng hoặc chưa tiêm đủ 3 mũi cơ bản.
Mẹ có thể an tâm phần nào vì ho gà là một bệnh lý hiếm gặp. Tuy nhiên, vì nhiễm trùng ho gà ở trẻ sơ sinh có thể đặc biệt nghiêm trọng nên cha mẹ cần lưu ý tới những biểu hiện ho của bé để ứng phó kịp thời. Bác sĩ Tuấn Như chia sẻ: “Các triệu chứng của ho gà có thể xuất hiện theo giai đoạn với biểu hiện khác nhau. Giai đoạn xuất tiết không đặc hiệu là lúc bé rất dễ lây nhiễm trong vòng 3-7 ngày với các triệu chứng như ho nhẹ, không sốt, chảy mũi trong, hắt xì. Tiếp theo đó là giai đoạn kịch phát thường kéo dài từ 15 ngày đến 3 tuần. Dấu hiệu rõ nét nhất của bệnh là những cơn ho kéo dài, mỗi cơn từ 15-20 tiếng ho liên tiếp theo sau bởi tiếng rít khi ho. Bé thường sẽ ho rũ rượi, thành cơn, mỗi, càng về sau càng yếu và giảm dần. Biểu hiện nặng còn có thể bao gồm nôn trớ khi ho, ngừng thở, tím tái sau cơn ho, hoặc ngưng thở hay tím ở trẻ nhũ nhi. Thời kỳ hồi phục thường kéo dài 3 tháng, bé chỉ còn ho khan dai dẳng.”
Để điều trị ho gà ở trẻ sơ sinh, thông thường bác sĩ sẽ cho con hạ sốt bằng paracetamol và truyền dịch. Ngoài ra, các bác sĩ cũng khuyến khích bé nên bú mẹ và uống nước. Theo đó, bác sĩ Như cũng khuyến cáo: “Tiêm vắc-xin đúng lịch là biện pháp tốt nhất để phòng ngừa, kiểm soát bệnh ho gà. Bé cần được tiêm đủ 3 mũi, và tiêm nhắc lại lúc 11-13 tuổi. Đối với người lớn, cần tiêm nhắc lại mỗi 10 năm. Cha mẹ cũng cần đặc biệt lưu ý thêm đến việc tiêm vắc-xin DPT cho bất kỳ trẻ cùng nhà chưa được chủng ngừa đầy đủ để tránh lây nhiễm chéo.”
Nói vậy không có nghĩa mẹ có thể chủ quan đối với các bé lớn nha! Ho gà còn có thể xảy ra ở trẻ lớn với nhiều biểu hiện thêm. Cụ thể, ở giai đoạn khởi phát, trẻ còn có thể khạc ra đờm trắng, màu trong, dính như lòng trắng trứng khi kết thúc cơn ho. Thậm chí, trẻ lớn hơn và thanh thiếu niên bị nhiễm ho gà có thể không có triệu chứng hoặc chỉ ho nhẹ mà không có bất kỳ biểu hiện đặc trưng nào (tức là kịch phát, ho khan, nôn sau ho).
Đối với trường hợp mắc bệnh ho gà ở trẻ lớn, do khả năng lây nhiễm cao, bé cần nghỉ học cách ly cho tới khi hết 5 ngày kháng sinh, hoặc nếu không dùng kháng sinh thì qua 21 ngày kể từ ngày bắt đầu triệu chứng. Cha mẹ cần dạy trẻ những biện pháp ngăn ngừa lây lan bệnh như: che tay khi ho, đeo khẩu trang, rửa tay thường xuyên. Bác sĩ Như đặc biệt lưu ý cha mẹ: “Ngay khi trẻ xuất hiện các dấu hiệu sốt cao, nôn nhiều, mất nước (khát nhiều, mệt mỏi, chóng mặt, lú lẫn, tiểu vàng đậm), cha mẹ cần đưa con đi khám ngay để được chẩn đoán và điều trị kịp thời”.
Để hỗ trợ điều trị ho gà ở trẻ lớn, cha mẹ có thể giúp bé kiểm soát cơn ho bằng cách hạn chế các hoạt động kích thích gây cơn ho như tập thể dục, hít phải không khí lạnh hay hút dịch mũi họng… Cha mẹ cũng cần chú ý cho bé uống nhiều nước và tăng calo trong khẩu phần ăn để cung cấp đủ năng lượng. Bác sĩ Tuấn Như căn dặn: “Nếu bé sốt nhẹ, cha mẹ nên chườm ấm để giảm nhiệt; có thể sử dụng thuốc hạ sốt paracetamol nếu con sốt cao trên 38.5 độ C.”
9. Ho lao
Ho lao là “cơn ác mộng” với bất cứ bậc phụ huynh nào mỗi khi nghe tới, bởi bệnh lý này được xác định là nguy hiểm với nhiều triệu chứng gây ảnh hưởng kéo dài như ho mạn tính, sốt vô lý kéo dài, sụt cân, chậm lớn. Đặc biệt, cha mẹ cần đưa trẻ tới gặp bác sĩ ngay nếu bé đã từng phơi nhiễm, tiếp xúc với người lớn mắc lao phổi, hay thấy bé có một trong số các dấu hiệu như: đau đầu, ho ra máu, tiêu chảy, đau bụng, chướng bụng.
Bác sĩ Như khuyến cáo: “Đối với bé dưới 5 tuổi đã tiếp xúc gần với người mắc lao, ngay cả khi không tìm thấy vi khuẩn lao đang hoạt động sau khi đã đánh giá cẩn thận và chẩn đoán xác định là lao, bé cũng nên được điều trị phòng ngừa 6 tháng với kháng sinh theo phác đồ của chương trình phòng chống lao quốc gia. Đồng thời, cần phải kiểm tra tất cả các thành viên trong gia đình của trẻ (cả những người tiếp xúc tại trường học nếu cần) để tìm ra những ca lao chưa được chẩn đoán và lên kế hoạch điều trị cho bất kỳ trường hợp nào được tìm thấy.” Ngoài ra, cha mẹ cũng cần lập tức báo cáo những ca nhiễm với chính quyền địa phương.
10. Viêm Amiđan
Nói không ngoa, viêm amiđan chính là nỗi ám ảnh của nhiều bà mẹ. Thời tiết thay đổi đột ngột, ô nhiễm môi trường bên ngoài hay sức đề kháng yếu ớt bên trong đều có thể khiến bé yêu mỏi mệt với căn bệnh viêm amiđan cấp.
Cảm giác khô, rát, nóng trong họng khiến bé khó chịu một phần thì khiến mẹ xót lòng mười phần. Chưa kể, toàn thân bé còn có thể đột ngột rét run lẩy bẩy trước khi những cơn sốt 38oC-39oC bắt đầu xuất hiện.
Phòng bệnh bao giờ cũng hiệu quả hơn chữa bệnh. Môi trường sống sạch sẽ giảm bớt nguy cơ lây nhiễm bệnh do virus hoặc vi khuẩn gây nên. Sự kết hợp giữa một chế độ ăn uống hợp lý cùng việc luyện tập thể dục thường xuyên sẽ giúp bé nâng cao sức đề kháng để nói “không” với căn bệnh này. Trường hợp xấu nhất, bé có thể bị bác sĩ chỉ định cắt amiđan nhưng mẹ cũng đừng có lo nhé. Cắt amiđan chỉ là một tiểu phẫu đơn giản nên trẻ có thể nói chuyện bình thường sau khi cắt. Bác sĩ Như căn dặn: "Mẹ chỉ cần chú ý cho con ăn thức ăn lỏng, nguội, mềm trong 10 đến 15 ngày tùy vết thương lành nhanh hay chậm."
11. Viêm mũi xoang
Chắc mẹ chẳng còn xa lạ với viêm mũi xoang - bệnh lý Tai mũi họng phổ biến hàng đầu tại Việt Nam. Theo các chuyên gia, hiện có tới 40% dân số Việt Nam mắc viêm mũi xoang này, và các bé trong độ tuổi 4-6 tuổi cũng không ngoại lệ đâu các mẹ ạ. Nếu không điều trị kịp thời và dứt điểm, viêm mũi xoang có thể gây cho bé yêu nhiều bất tiện trong cuộc sống, cũng như những biến chứng nghiêm trọng đến các khu vực liên quan như mắt, mí mắt.
Những triệu chứng điển hình của viêm mũi xoang gồm ho khan hoặc ho có đờm, có thể ho dữ dội hơn về đêm. Nguyên nhân là do nước mũi có màu vàng, xanh chảy xuống họng gây đau họng, ho thậm chí nôn ọe. Bác sĩ Như lưu ý rằng: “Sốt cao trên 39 độ có thể xuất hiện trong giai đoạn đầu phụ thuộc vào biến chứng liên quan và giảm dần trong 2 ngày. Ở trẻ dưới 2 tuổi, viêm mũi xoang thường đi kèm với viêm tai giữa. Ở trẻ trên 6 tuổi thì luôn luôn có triệu chứng nhức đầu, mệt mỏi khó chịu, chảy đàm mũi kéo dài.”
Để giúp bé giảm khó chịu, cha mẹ có thể giúp bé rửa mũi xoang bằng nước muối sinh lý hoặc uống thuốc hạ sốt như acetaminophen khi sốt trên 38,5 ºC. Bác sĩ Như nhắc cha mẹ theo dõi: "Nếu hơn 7 ngày mà tình trạng viêm mũi của bé không thuyên giảm kèm dịch mũi màu vàng hoặc xanh, sốt cao hơn 39 độ trong 3 ngày liên tục thì bé nên được cha mẹ đưa đến gặp bác sĩ ngay lập tức."
12. Ho kích ứng
Tình trạng bị kích ứng từ môi trường cũng là một trong số những nguyên nhân phổ biến gây ho mạn tính ở trẻ. Cùng với việc ho dai dẳng kéo dài, nếu cha mẹ nhận thấy bé có thêm các triệu chứng như khó thở, thở khò khè, chảy nước mũi hay nghẹt mũi, phát ban da,... thì đó chính là “manh mối” cho thấy con đang bị “tấn công” bởi các chất kích thích từ môi trường đó.
Trong tình huống này, cách xử trí duy nhất là loại bỏ các tác nhân gây kích thích xung quanh bé. Đó có thể là các chất làm sạch, khử trùng (đặc biệt là các chất có mùi thơm, nặng mùi); nấm mốc trong các tòa nhà cũ; khói thuốc lá, ô nhiễm không khí; lông chó mèo hay các mạt bụi, v.v. Về tình trạng ho mạn tính do kích ứng, bác sĩ Tuấn Như chia sẻ: “Hầu hết các vấn đề chất lượng không khí trong phòng tại nhà có thể phòng ngừa được hoặc kiểm soát được. Lý tưởng nhất là cha mẹ cần tìm ra và loại bỏ nguồn phơi nhiễm nếu có thể để tránh trẻ tiếp xúc trực tiếp. Đặc biệt, người lớn trong nhà cần bỏ thuốc lá, hạn chế tối đa không để trẻ tiếp xúc với khói thuốc.”
13. Hội chứng chảy mũi sau
Căn bệnh nghe “là lạ” này thực ra lại là “người bạn” quen thuộc rất hay ghé thăm các bé đấy mẹ ạ! Nếu thấy bé nhà mình có những triệu chứng như ho nhiều, đặc biệt là vào ban đêm; thường xuyên hắng giọng hay nhổ/ nuốt chất nhầy; hay buồn nôn, hơi thở có mùi hôi - đó chính là dấu hiệu cho thấy hội chứng chảy mũi sau đã “ghé thăm” bé rồi đây.
Tùy theo nguyên nhân gây bệnh mà sẽ có các biện pháp điều trị khác nhau cho hội chứng chảy mũi sau. Tuy nhiên, theo bác sĩ Tuấn Như, cha mẹ hoàn toàn thực hiện các biện pháp tại nhà giúp trẻ tự kiểm soát tình trạng bệnh như: “nằm tư thế đầu cao vào ban đêm để giúp dịch thoát ra, giảm lượng dịch nhầy trong cổ họng và đường thở; uống nước để làm loãng chất nhầy. Nếu nhận thấy bé xuất hiện các triệu chứng như sốt cao, ho hoặc chảy dịch mũi họng có máu, mùi khó chịu, thở khò khè, khó thở, cha mẹ cần lập tức đưa bé đi khám bác sĩ.”
14. Ho tâm lý
Đúng như tên gọi, ho tâm lý là tình trạng bé ho dai dẳng nhưng lại không phát hiện bệnh gì, thường xảy ra ở bé trong độ tuổi đi học, đặc biệt từ 4-18 tuổi, và nhiều hơn ở bé gái. Cha mẹ cần lưu ý kỹ những dấu hiệu của bệnh như: ho khan, ho ông ổng, cường độ mạnh; cơn ho tái phát thường xuyên nhưng biến mất hoàn toàn khi ngủ. Thậm chí, bé có khả năng ho theo yêu cầu.
Vì là một tình trạng tâm lý nên bệnh ho này có thể điều trị tại nhà bằng các liệu pháp tâm lý. Bác sĩ Tuấn Như mách nhỏ: “Cha mẹ có thể gây phân tâm con bằng cách cho uống nước ấm thành các ngụm nhỏ, trò chuyện với bé, cho bé ngậm kẹo ho để từ từ cắt giảm các cơn ho. Đồng thời, cha mẹ cũng nên trấn an và giải thích cho con hiểu, hoặc có thể bé đi khám bác sĩ tâm lý.”
Nếu bé bị ho tâm lý, đó cũng là một hồi chuông cảnh báo cho thấy cha mẹ cần chia sẻ, trò chuyện với con nhiều hơn; hạn chế chỉ trích, phê phán mà tập trung giúp bé giải quyết những vấn đề khó khăn. Những vấn đề đó có thể đến từ những nguyên nhân như: lo âu, căng thẳng do hoàn cảnh gia đình bất ổn (cha mẹ bận đi làm, không quan tâm đến con; cha mẹ ly dị hoặc có nhiều mâu thuẫn; bé sống xa cha mẹ;...); áp lực từ môi trường học tập với thầy cô, bạn bè; ảnh hưởng bạo lực của phim ảnh, trò chơi điện tử. Trong trường hợp con không ngừng ho dai dẳng, cha mẹ cần đưa bé đi khám bác sĩ ngay nhé.
Trả lời