Sau một ngày đi chơi mệt mỏi, mẹ và bé yêu quyết định đi ngủ sớm để cùng khởi đầu một ngày mới tràn đầy sức khỏe và niềm vui. Kế hoạch là thế, vậy mà tối đó, bỗng dưng bé ho nhiều quá, dữ dội và liên tục suốt cả đêm dài khiến mẹ xót ruột không thôi. Sáng nay, bé đâu có ho nhiều như vậy nhỉ? Nếu tình trạng này kéo dài, rất có thể bé đã bị mắc triệu chứng ho đêm mất rồi, mẹ ạ!
Tìm hiểu về hiện tượng ho đêm, mẹ biết được rằng, có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này. Vào buổi tối, các chất nhầy đọng lại và tiết ra nhiều hơn khi bé nằm ngủ, khiến bé ho nhiều và dữ dội. Không khí ban đêm cũng khô hơn nên với bé nào bị hen suyễn thì việc ho đêm rất thường xuyên xảy ra. Đôi khi, bé chưa tiêu hóa hết thức ăn thừa trong bữa tối khiến hội chứng trào ngược dạ dày xuất hiện mang theo những cơn ho dai dẳng. Mẹ đừng lo lắng quá bởi ngay bây giờ, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu thêm về các bệnh lý liên quan đến hiện tượng này nhé!
1. Hen suyễn
Hen là một bệnh hô hấp mạn tính mà các bé rất hay gặp, đặc trưng là những tiếng ho kèm khò khè thường xuyên. Cụ thể, bác sĩ Tuấn Như cho hay: “Biểu hiện của hen suyễn là khi bé có các đợt khò khè tái phát, thường kèm ho khan, khó thở và tức ngực, đặc biệt là khi những triệu chứng này thường xuyên tái lại hoặc nặng hơn về đêm và gần sáng. Một số biểu hiện khác của hen suyễn bao gồm tình trạng thở nhanh và gấp, mặt nhợt nhạt, ra mồ hôi.”
Hen suyễn là một tình trạng mạn tính nguy hiểm và rất dễ tái phát. Vì vậy, bác sĩ Tuấn Như khuyến cáo cha mẹ: “Việc chú ý nhận biết các dấu hiệu bé sắp lên cơn hen như ho, khò khè, khó thở, nặng ngực, thức giấc về đêm rất quan trọng cho việc điều trị của bé.” Ngay khi nhận thấy những cảnh báo như trên, cha mẹ nên đưa bé tới gặp bác sĩ để được điều trị kịp thời.
Để tránh hen suyễn thường xuyên “ghé thăm”, cha mẹ nên lưu ý không để vật nuôi trong nhà; tránh dùng các loại thuốc xịt như xịt muỗi, nước hoa, xịt phòng; không hút thuốc lá nơi gần bé. Đặc biệt, nơi ngủ của con cần được dọn dẹp ngăn nắp, sạch sẽ, tránh gió lạnh. Thực đơn của bé cũng cần “kiêng khem” hơn, tránh các thực phẩm dễ gây dị ứng như hải sản, đậu phộng, đồ chiên nướng…
2. Trào ngược dạ dày thực quản ở trẻ em
Trào ngược dạ dày thực quản - căn bệnh nghe chừng phức tạp này thực ra lại khá “quen mặt” với các mẹ bỉm sữa qua cách gọi phổ biến hơn là “trớ”. Trào ngược dạ dày thực quản sinh lý thường tự hết khoảng 85% ở bé dưới 12 tháng và khoảng 95% ở bé dưới 18 tháng. Bác sĩ Như cũng lưu ý: “Đây là một tình trạng bệnh mạn tính, do đó cha mẹ cần hiểu về các bước điều trị, theo dõi các triệu chứng nặng biểu hiện ở hô hấp, tai mũi họng của bé như: ho khan kéo dài, ho đêm; khò khè kéo dài, viêm xoang, viêm tai giữa, viêm thanh quản tái phát thường xuyên.” Bé quấy khóc nhiều, nôn ói thường xuyên ngay sau bữa ăn, tần suất tăng lên khi đổi tư thế cũng là “gợi ý” cho thấy có thể con đang bị trào ngược dạ dày thực quản đó mẹ nhé.
Để hạn chế tình trạng khó chịu này cho bé, cha mẹ nên lưu ý tới những chi tiết “nhỏ nhưng dễ bị bỏ ngỏ” như: tránh mặc quần áo quá chật, băng bụng cho con; điều trị tốt các triệu chứng ho, táo bón; giữ môi trường sống thông thoáng, không khói thuốc lá. Ngoài ra, chế độ dinh dưỡng cũng đóng góp một phần quan trọng trong việc phòng tránh và điều trị tình trạng này tại nhà. Bác sĩ Tuấn Như khuyên mẹ nên: “Chia nhỏ bữa ăn, cho con ăn chậm hơn. Đồng thời lưu ý không đặt bé nằm ngay sau bữa ăn, và cho bé nằm ngửa khi ngủ.”
Với bé ở độ tuổi lớn hơn, bệnh trào ngược dạ dày thực quản có thể biểu hiện ở nhiều triệu chứng như buồn nôn, nôn, ợ nóng, cảm nhận được vị chua ở cổ họng, nóng rát phía sau xương ức, đôi khi đau bụng hoặc đau khi nuốt, ợ chua, ợ nóng; ho khan kéo dài, ho đêm, kèm khò khè; v.v. Để hạn chế và điều trị những triệu chứng này, cha mẹ chỉ cần giúp con điều chỉnh lối sống và ăn uống khoa học, tránh các thức ăn kích thích và đồ chứa nhiều dầu mỡ, acid, tránh ăn đêm. Tuy nhiên, bác sĩ Như vẫn nhắc nhở cha mẹ: “Cần cho con đi khám bác sĩ ngay nếu có các triệu chứng như: nôn liên tục, đặc biệt nôn ra máu hoặc bị sụt cân liên tục; thường xuyên ợ nóng, đau bụng và ngực; đau, khó chịu khi nuốt; khò khè, ho khan mạn tính, khản giọng; viêm phổi tái đi tái lại.”
3. Hội chứng chảy mũi sau
Căn bệnh nghe “là lạ” này thực ra lại là “người bạn” quen thuộc rất hay ghé thăm các bé đấy mẹ ạ! Nếu bé nhà mình ho nhiều đặc biệt vào ban đêm; thường xuyên hắng giọng, nhổ/ nuốt chất nhầy; hay buồn nôn, hơi thở có mùi hôi - đó chính là dấu hiệu cho thấy hội chứng chảy mũi sau đã “ghé thăm” bé rồi đây.
Tùy theo nguyên nhân gây bệnh mà bác sĩ sẽ có các biện pháp điều trị khác nhau cho hội chứng chảy mũi sau. Tuy nhiên, theo bác sĩ Tuấn Như, cha mẹ hoàn toàn thực hiện các biện pháp tại nhà giúp trẻ tự kiểm soát tình trạng bệnh như nằm tư thế đầu cao vào ban đêm để giúp dịch thoát ra, giảm lượng dịch nhầy trong cổ họng và đường thở; uống nước để làm loãng chất nhầy. “Nếu nhận thấy bé xuất hiện các triệu chứng như sốt cao, ho hoặc chảy dịch mũi họng có máu, mùi khó chịu, thở khò khè, khó thở, cha mẹ cần lập tức đưa bé đi khám bác sĩ.”
4. Viêm mũi xoang
Chắc mẹ chẳng còn xa lạ với viêm mũi xoang - bệnh lý Tai mũi họng phổ biến hàng đầu tại Việt Nam. Theo các chuyên gia, hiện có tới 40% dân số Việt Nam mắc viêm mũi xoang này, và các bé trong độ tuổi 4-6 tuổi cũng không ngoại lệ đâu các mẹ ạ. Nếu không điều trị kịp thời và dứt điểm, viêm mũi xoang có thể gây cho bé yêu nhiều bất tiện trong cuộc sống, cũng như những biến chứng nghiêm trọng đến các khu vực liên quan như mắt, mí mắt.
Những triệu chứng điển hình của viêm mũi xoang gồm ho khan hoặc ho có đờm, có thể ho dữ dội hơn về đêm. Nguyên nhân là do nước mũi có màu vàng, xanh chảy xuống họng gây đau họng, ho thậm chí nôn ọe. Bác sĩ Như lưu ý rằng: “Sốt cao trên 39 độ có thể xuất hiện trong giai đoạn đầu phụ thuộc vào biến chứng liên quan và giảm dần trong 2 ngày. Ở trẻ dưới 2 tuổi, viêm mũi xoang thường đi kèm với viêm tai giữa. Ở trẻ trên 6 tuổi thì luôn luôn có triệu chứng nhức đầu, mệt mỏi khó chịu, chảy đàm mũi kéo dài”
Để giúp bé giảm khó chịu, cha mẹ có thể giúp bé rửa mũi xoang bằng nước muối sinh lý hoặc uống thuốc hạ sốt như acetaminophen khi sốt trên 38,5 ºC. Bác sĩ Như nhắc cha mẹ theo dõi: "Nếu hơn 7 ngày mà tình trạng viêm mũi của bé không thuyên giảm kèm dịch mũi màu vàng hoặc xanh, sốt cao hơn 39 độ trong 3 ngày liên tục thì bé nên được cha mẹ đưa đến gặp bác sĩ ngay lập tức."
5. Viêm phế quản mạn tính
Nếu bé yêu ho khạc liên tục, sốt nhẹ và có hiện tượng dịch mũi tiết nhiều gây tịt mũi, khó thở... rất có thể bé đã mắc phải tình trạng viêm phế quản mạn tính. Đây là một căn bệnh nguy hiểm và thường xảy ra ở trẻ em từ 2-6 tuổi mẹ ạ! Nếu mắc phải căn bệnh này, phế quản của bé sẽ có hiện tượng bị viêm, tiết dịch đờm khiến bé có biểu hiện ho khạc liên tục từ 3 tháng đến 1 hoặc 2 năm!
Việc điều trị của viêm phế quản mạn tính là giảm triệu chứng của bệnh chứ không thể xử lý triệt để. Vì vậy, bác sĩ Như đã dặn mẹ: “Sử dụng thuốc kháng sinh theo chỉ định, hướng dẫn của bác sĩ, không nên tự ý mua thuốc trong bất kỳ trường hợp nào.” Ở đây, những loại thuốc mà bác sĩ chỉ định có thể là thuốc giãn phế quản, chống viêm, kháng sinh và thậm chí là tiêm vaccin mẹ nhé! Ở nhà, mẹ hãy cùng bé tập phục hồi chức năng phổi bằng các bài tập cải thiện. Cùng với đó, mẹ hãy nhớ luôn bổ sung đầy đủ các dưỡng chất trong bữa ăn và hạn chế để bé tiếp xúc với những môi trường độc hại có khói, bụi, thuốc lá nhé.
Mẹ cũng có thể vệ sinh mũi và vòm họng cho bé bằng các loại nước muối sinh lý theo chu kỳ 1 lần/ ngày. Hãy thận trọng đưa trẻ đi khám ngay khi phát hiện ra các tình trạng như: Thở khò khè, khó thở, nhịp thở nhanh, tím tái; Không đáp ứng với thuộc hạ sốt khi sốt cao; Ho không ngừng, đỏ mặt, tức ngực.
Trả lời