Ca sĩ vườn nhà
Bữa nay không hát
Hỏi ra mới biết
Bé bị ho khan
Không nhầy, chẳng đờm
Vẫn chẳng ngủ yên
Từ tối đến sớm
Ngứa ngáy không thôi
Cơn ho kéo dài
Đánh thức cả nhà
Bé chẳng muốn thế
Nhưng sao hết đây
“Khu khụ khụ” - tiếng ho gì mà nghe khô khốc vậy? Không có đờm hoặc chất nhầy đi kèm nhưng vẫn ho dai dẳng không kiểm soát - nếu cơn ho của bé có một trong những dấu hiệu kể trên thì có thể bé yêu đã bị ho khan “tấn công” rồi đó mẹ ạ. Nguyên nhân của ho khan thường do đường thở không sạch, bị kích ứng, có tình trạng viêm (ít chất tiết) hoặc do dị ứng. Dẫu tiếng ho khan khô khốc của bé có thể khiến mẹ nhói lòng biết bao, thì mặt khác, ho khan có thể giúp mẹ nhận ra các bệnh lý phổ biến với mức độ nguy hiểm khác nhau. Mẹ hãy cùng tìm hiểu trong bài viết dưới đây nhé!
1. Cảm lạnh
Cảm lạnh là bệnh lý phổ biến mà cha mẹ hay bé yêu đều có thể mắc phải. Ngoài dấu hiệu ho khan, bé yêu có thể xuất hiện triệu chứng nghẹt mũi, chảy nước mũi hay thở bằng miệng. Đôi khi cảm lạnh có thể đi kèm sốt trên 38 độ cùng những cơn ớn lạnh và đổ mồ hôi. Hầu hết các đợt bệnh cảm lạnh thường hết trong vòng 14 ngày. Tuy vậy bác sĩ Như cũng cảnh báo cha mẹ cần lưu ý nếu xuất hiện những dấu hiệu nguy hiểm toàn thân, các dấu hiệu viêm phổi hoặc viêm phổi nặng, tiếng thở rít khi trẻ nằm nghiêng.
Xử lý cảm lạnh cho bé không khó, nhưng đòi hỏi sự kiên nhẫn từ các bậc phụ huynh. Cha mẹ cần làm sạch chất tiết ở mũi trước khi cho bé ăn uống bằng vải mềm quấn thành bấc sâu kèn. Để giảm tình trạng nôn ói, cha mẹ nên chia nhỏ các cữ bú, cung cấp đủ lượng dịch theo nhu cầu. Các loại thuốc giảm ho an toàn như Prospan, thức uống ấm, ngọt có thể giúp bé yêu êm dịu cổ họng và giảm ho. Trẻ nên được khuyến khích ăn thêm nhiều hoa quả và rau xanh để tăng sức đề kháng.
Bác sĩ Như căn dặn cha mẹ: “Nếu trẻ sốt từ 39 oC trở lên, cha mẹ có thể cho con hạ sốt với paracetamol. Còn trong trường hợp trẻ có dấu hiệu thở nhanh, khó thở, sốt cao liên tục trên 3 ngày, cha mẹ cần đưa con đi khám bác sĩ ngay lập tức. Đừng quên tái khám nếu bệnh của bé nặng hơn, không thể bú hoặc uống”
2. Hen suyễn
Hen là một bệnh hô hấp mạn tính mà các bé rất hay gặp, đặc trưng là những tiếng ho kèm khò khè thường xuyên. Cụ thể, bác sĩ Tuấn Như cho hay: “Biểu hiện của hen suyễn là khi bé có các đợt khò khè tái phát, thường kèm ho khan, khó thở và tức ngực, đặc biệt là khi những triệu chứng này thường xuyên tái lại hoặc nặng hơn về đêm và gần sáng. Một số biểu hiện khác của hen suyễn bao gồm tình trạng thở nhanh và gấp, mặt nhợt nhạt, ra mồ hôi.”
Hen suyễn là một tình trạng mạn tính nguy hiểm và rất dễ tái phát. Vì vậy, bác sĩ Tuấn Như khuyến cáo cha mẹ: “Việc chú ý nhận biết các dấu hiệu bé sắp lên cơn hen như ho, khò khè, khó thở, nặng ngực, thức giấc về đêm rất quan trọng cho việc điều trị của bé.” Ngay khi nhận thấy những cảnh báo như trên, cha mẹ nên đưa bé tới gặp bác sĩ để được điều trị kịp thời.
Để tránh hen suyễn thường xuyên “ghé thăm”, cha mẹ nên lưu ý không để vật nuôi trong nhà; tránh dùng các loại thuốc xịt như xịt muỗi, nước hoa, xịt phòng; không hút thuốc lá nơi gần bé. Đặc biệt, nơi ngủ của con cần được dọn dẹp ngăn nắp, sạch sẽ, tránh gió lạnh. Thực đơn của bé cũng cần “kiêng khem” hơn, tránh các thực phẩm dễ gây dị ứng như hải sản, đậu phộng, đồ chiên nướng…
3. Trào ngược dạ dày thực quản
Trào ngược dạ dày thực quản - căn bệnh nghe chừng phức tạp này thực ra lại khá “quen mặt” với các mẹ bỉm sữa qua cách gọi phổ biến hơn là “trớ”. Trào ngược dạ dày thực quản sinh lý thường tự hết khoảng 85% ở bé dưới 12 tháng và khoảng 95% ở bé dưới 18 tháng. Bác sĩ Như cũng lưu ý: “Đây là một tình trạng bệnh mạn tính, do đó cha mẹ cần hiểu về các bước điều trị, theo dõi các triệu chứng nặng biểu hiện ở hô hấp, tai mũi họng của bé như: ho khan kéo dài, ho đêm; khò khè kéo dài, viêm xoang, viêm tai giữa, viêm thanh quản tái phát thường xuyên.” Bé quấy khóc nhiều, nôn ói thường xuyên ngay sau bữa ăn, tần suất tăng lên khi đổi tư thế cũng là “gợi ý” cho thấy có thể con đang bị trào ngược dạ dày thực quản đó mẹ nhé.
Để hạn chế tình trạng khó chịu này cho bé, cha mẹ nên lưu ý tới những chi tiết “nhỏ nhưng dễ bị bỏ ngỏ” như: tránh mặc quần áo quá chật, băng bụng cho con; điều trị tốt các triệu chứng ho, táo bón; giữ môi trường sống thông thoáng, không khói thuốc lá. Ngoài ra, chế độ dinh dưỡng cũng đóng góp một phần quan trọng trong việc phòng tránh và điều trị tình trạng này tại nhà. Bác sĩ Tuấn Như khuyên mẹ nên: “Chia nhỏ bữa ăn, cho con ăn chậm hơn. Đồng thời lưu ý không đặt bé nằm ngay sau bữa ăn, và cho bé nằm ngửa khi ngủ.”
Với bé ở độ tuổi lớn hơn, bệnh trào ngược dạ dày thực quản có thể biểu hiện ở nhiều triệu chứng như buồn nôn, nôn, ợ nóng, cảm nhận được vị chua ở cổ họng, nóng rát phía sau xương ức, đôi khi đau bụng hoặc đau khi nuốt, ợ chua, ợ nóng; ho khan kéo dài, ho đêm, kèm khò khè; v.v. Để hạn chế và điều trị những triệu chứng này, cha mẹ chỉ cần giúp con điều chỉnh lối sống và ăn uống khoa học, tránh các thức ăn kích thích và đồ chứa nhiều dầu mỡ, acid, tránh ăn đêm. Tuy nhiên, bác sĩ Như vẫn nhắc nhở cha mẹ: “Cần cho con đi khám bác sĩ ngay nếu có các triệu chứng như: nôn liên tục, đặc biệt nôn ra máu hoặc bị sụt cân liên tục; thường xuyên ợ nóng, đau bụng và ngực; đau, khó chịu khi nuốt; khò khè, ho khan mạn tính, khản giọng; viêm phổi tái đi tái lại.”
4. Hội chứng chảy mũi sau
Căn bệnh nghe “là lạ” này thực ra lại là “người bạn” quen thuộc rất hay ghé thăm các bé đấy mẹ ạ! Nếu bé nhà mình ho nhiều đặc biệt vào ban đêm; thường xuyên hắng giọng, nhổ/ nuốt chất nhầy; hay buồn nôn, hơi thở có mùi hôi - đó chính là dấu hiệu cho thấy hội chứng chảy mũi sau đã “ghé thăm” bé rồi đây.
Tùy theo nguyên nhân gây bệnh mà bác sĩ sẽ có các biện pháp điều trị khác nhau cho hội chứng chảy mũi sau. Tuy nhiên, theo bác sĩ Tuấn Như, cha mẹ hoàn toàn thực hiện các biện pháp tại nhà giúp trẻ tự kiểm soát tình trạng bệnh như nằm tư thế đầu cao vào ban đêm để giúp dịch thoát khỏi vùng vòm mũi họng do trọng lực ra, giảm lượng dịch nhầy trong cổ họng và đường thở; uống nước để làm loãng chất nhầy. “Nếu nhận thấy bé xuất hiện các triệu chứng như sốt cao, ho hoặc chảy dịch mũi họng có máu, mùi khó chịu, thở khò khè, khó thở, cha mẹ cần lập tức đưa bé đi khám bác sĩ.”
5. Viêm V.A mạn tính
Ngạt tắc mũi, mũi thường bị viêm, ho khan, ngủ không yên giấc hay tai nghe kém, bị viêm - chuyện gì đang xảy ra với bé yêu thế nhỉ? Rất có thể, viêm V.A mạn tính đã “không hẹn mà gặp” bé rồi mẹ ơi.
Viêm V.A mạn tính là tình trạng V.A quá phát hoặc xơ hoá sau viêm nhiễm cấp tính nhiều lần. Triệu chứng viêm V.A có thể xuất hiện vào giai đoạn bé tròn 18 tháng cho đến khi 6 - 7 tuổi. Các dấu hiệu toàn thân của bé mà cha mẹ có thể dễ dàng quan sát là: sốt vặt, phát triển chậm so với lứa tuổi, kém nhanh nhẹn, ăn uống kém, người gầy, da xanh. Một số trẻ có thể đãng trí, kém tập trung hay học kém thường do tai hơi nghễnh ngãng và não thiếu oxy do thiếu thở mạn tính. Hình ảnh của một em bé có bộ mặt V.A (sùi vòm) có thể bao gồm: da xanh, miệng há, răng vẩu, răng mọc lệch, môi trên bị kéo xếch lên, môi dưới dài thõng, hai mắt mở to, người ngây ngô.
Bác sĩ Như chia sẻ: “Trong những trường hợp viêm VA mạn tính không đáp ứng với điều trị thuốc đơn thuần, bác sĩ sẽ chỉ định nạo VA cho trẻ. Thường tiến hành nạo V.A cho trẻ từ 6 tháng tuổi trở lên, thời gian hợp lý nhất là từ 18-36 tháng tuổi. Sau phẫu thuật nạo V.A, cha mẹ có thể hỗ trợ cho bé bằng cách cho uống nhiều nước, sử dụng thuốc giảm đau đúng liều và chuẩn bị thực đơn với những đồ ăn dễ nuốt”
Để giúp bé tránh xa bệnh lý này, các bậc phụ huynh nên lưu ý nâng cao sức đề kháng cho con bằng chế độ dinh dưỡng hợp lý, khoa học. Đối với các bé có sức khỏe yếu, suy dinh dưỡng, cha mẹ có thể cho con sử dụng thêm các loại thuốc bổ, thuốc tăng cường miễn dịch. Việc giữ ấm khi thời tiết thay đổi, hay vệ sinh mũi họng, răng miệng cho bé cần được thực hiện thường xuyên để phòng tránh lây lan trong các vụ dịch lây truyền theo đường hô hấp. Bác sĩ Như đặc biệt nhắc cha mẹ lưu ý: “Nếu con có các dấu hiệu: chảy máu từ mũi hoặc họng, không thể uống nước, nôn không đõ, sốt, đau họng nặng hơn hoặc đau sau ăn kéo dài 1-2 tuần, cha mẹ cần liên lạc với nhân viên y tế ngay lập tức”
6. Viêm mũi xoang
Chắc mẹ chẳng còn xa lạ với viêm mũi xoang - bệnh lý Tai mũi họng phổ biến hàng đầu tại Việt Nam. Theo các chuyên gia, hiện có tới 40% dân số Việt Nam mắc viêm mũi xoang này, và các bé trong độ tuổi 4-6 tuổi cũng không ngoại lệ đâu các mẹ ạ. Nếu không điều trị kịp thời và dứt điểm, viêm mũi xoang có thể gây cho bé yêu nhiều bất tiện trong cuộc sống, cũng như những biến chứng nghiêm trọng đến các khu vực liên quan như mắt, mí mắt.
Những triệu chứng điển hình của viêm mũi xoang gồm ho khan hoặc ho có đờm, có thể ho dữ dội hơn về đêm. Nguyên nhân là do nước mũi có màu vàng, xanh chảy xuống họng gây đau họng, ho thậm chí nôn ọe. Bác sĩ Như lưu ý rằng: “Sốt cao trên 39 độ có thể xuất hiện trong giai đoạn đầu phụ thuộc vào biến chứng liên quan và giảm dần trong 2 ngày. Ở trẻ dưới 2 tuổi, viêm mũi xoang thường đi kèm với viêm tai giữa. Ở trẻ trên 6 tuổi thì luôn luôn có triệu chứng nhức đầu, mệt mỏi khó chịu, phù nề quanh mắt.”
Để giúp bé giảm khó chịu, cha mẹ có thể giúp bé rửa mũi xoang bằng nước muối sinh lý hoặc uống thuốc hạ sốt như acetaminophen khi sốt trên 38,5 ºC. Bác sĩ Như nhắc cha mẹ theo dõi: "Nếu hơn 7 ngày mà tình trạng viêm mũi của bé không thuyên giảm kèm dịch mũi màu vàng hoặc xanh, sốt cao hơn 39 độ trong 3,4 ngày thì bé nên được cha mẹ đưa đến gặp bác sĩ ngay lập tức."
7. Viêm mũi dị ứng
Một căn bệnh nữa rất nguy hiểm nhưng lại xảy ra thường xuyên khi chúng ta tiếp xúc với các dị nguyên trong không khí, đó chính là viêm mũi dị ứng. Đây là tình trạng viêm niêm mạc mũi xoang khiến bé hắt hơi, ngạt mũi và chảy mũi đó mẹ ạ! Bé nào mà bị viêm mũi trong thời gian dài, rất có thể sẽ mắc thêm nhiều bệnh nền khác như: Nhiễm trùng tai, nhức đầu, nghẹt mũi nặng, ngủ ngáy...
Là một căn bệnh khá phổ biến, tuy vậy việc điều trị triệt để viêm mũi dị ứng cần thời gian và sự kiên trì bền bỉ. Bác sĩ Như căn dặn: “Trước tiên, mẹ hãy nghe theo chỉ định của bác sĩ và cho bé sử dụng các loại thuốc phù hợp như Thuốc kháng histamin, thuốc corticoid, thuốc xịt mũi và thuốc thông mũi… Cùng với đó, nếu như phát hiện ra những hiện tượng nhẹ như chảy mũi, thở khò khè… thì mẹ hãy vệ sinh mũi cho bé bằng dung dịch nước muối sinh lí (NaCl 0.9%).”
Viêm mũi dị ứng hoàn toàn có thể phòng tránh dễ dàng tại nhà bằng nhiều biện pháp khác nhau. Mẹ hãy chủ động tạo một môi trường sạch sẽ, thông thoáng và ngăn bé tiếp xúc với những tác nhân gây dị ứng như: Động vật, phấn hoa, bụi bẩn… Mẹ cũng chú ý cho bé bổ sung vitamin và giúp bé yêu ăn mặc phù hợp với thời tiết để sức khỏe luôn luôn ổn định nhé.
8. Viêm thanh quản cấp
Nếu “ca sĩ tại gia” bỗng hóa chú vịt khàn khàn, rất có thể bé đã bị mắc bệnh viêm thanh quản cấp. Đây là bệnh lý trẻ nhỏ 1-3 tuổi dễ mắc khi thời tiết chuyển lạnh, khi trẻ tiếp xúc với người bị viêm đường hô hấp trên hay đơn giản do bé nghịch ngợm gào hét quá lớn. Bác sĩ Như lưu ý: "Tiếng ho có thể trở nên cứng và ông ổng, giọng nói gần như bình thường nhưng sau đó trở nên trầm và cứng hơn. Vào một số trường hợp, trẻ có thể bị sốt, cảm thấy gai người hoặc ớn lạnh."
Trong trường hợp viêm thanh quản không kèm khó thở, bệnh có thể được điều trị tại nhà. Điều quan trọng là cha mẹ cần cho bé uống đủ nước, làm ẩm không khí trong phòng, tránh không khí lạnh và hạn chế nói. Các loại siro như Prospan, mật ong, kẹo ngọt có thể giúp dịu họng và khiến bé cảm thấy dễ chịu hơn.
Bác sĩ Như nhắn cha mẹ đừng quên: "Đưa trẻ đi khám bác sỹ ngay nếu trẻ có các biểu hiện khó thở, đau và các triệu chứng khác ngày càng nặng hơn hoặc viêm thanh quản kéo dài hơn 2 tuần."
9. Ho gà
Ho gà lại thường khiến các mẹ lắng lo vì khả năng lây qua đường hô hấp hoặc tiếp xúc trực tiếp qua nước bọt, lây khi nói chuyện hoặc tiếp xúc với đồ vật bị nhiễm dịch tiết đường hô hấp của người mắc bệnh. Nguyên nhân của bệnh lý ho gà bắt nguồn từ một loại vi khuẩn tên Bordetella pertussis. Vi khuẩn này có thể “ghé thăm” khi con ở độ tuổi bất kỳ, nhưng chủ yếu là bé dưới 1 tuổi chưa tiêm phòng hoặc chưa tiêm đủ 3 mũi cơ bản.
Mẹ có thể an tâm phần nào vì ho gà là một bệnh lý hiếm gặp. Tuy nhiên, vì nhiễm trùng ho gà ở trẻ sơ sinh có thể đặc biệt nghiêm trọng nên cha mẹ cần lưu ý tới những biểu hiện ho của bé để ứng phó kịp thời. Bác sĩ Tuấn Như chia sẻ: “Các triệu chứng của ho gà có thể xuất hiện theo giai đoạn với biểu hiện khác nhau. Giai đoạn xuất tiết không đặc hiệu là lúc bé rất dễ lây nhiễm trong vòng 3-7 ngày với các triệu chứng như ho nhẹ, không sốt, chảy mũi trong, hắt xì. Đôi khi, cha mẹ để ý sẽ không có giai đoạn này. Tiếp theo đó là giai đoạn kịch phát thường kéo dài từ 15 ngày đến 3 tuần. Dấu hiệu rõ nét nhất của bệnh là những cơn ho kéo dài, mỗi cơn từ 15-20 tiếng ho liên tiếp theo sau bởi tiếng rít khi ho. Bé thường sẽ ho rũ rượi, thành cơn, mỗi, càng về sau càng yếu và giảm dần. Biểu hiện nặng còn có thể bao gồm nôn trớ khi ho, ngừng thở, tím tái sau cơn ho, hoặc ngưng thở hay tím ở trẻ nhũ nhi. Thời kỳ hồi phục thường kéo dài 3 tháng, bé chỉ còn ho khan dai dẳng.”
Để điều trị ho gà ở trẻ sơ sinh, thông thường bác sĩ sẽ cho con hạ sốt bằng paracetamol và truyền dịch. Ngoài ra, các bác sĩ cũng khuyến khích bé nên bú mẹ và uống đủ nước. Bác sĩ Như cũng căn dặn cha mẹ: “Tiêm vắc-xin đúng lịch là biện pháp tốt nhất để phòng ngừa, kiểm soát bệnh ho gà. Bé cần được tiêm đủ 3 mũi, và tiêm nhắc lại lúc 11-13 tuổi. Đối với người lớn, cần tiêm nhắc lại 10 năm một lần. Cha mẹ cũng cần đặc biệt lưu ý thêm đến việc tiêm vắc-xin DPT cho bất kỳ trẻ cùng nhà chưa được chủng ngừa đầy đủ để tránh lây nhiễm chéo.”
Nói vậy không có nghĩa mẹ có thể chủ quan đối với các bé lớn nha mẹ ơi! Bệnh ho gà còn có thể xảy ra ở trẻ lớn với thêm nhiều biểu hiện khác. Cụ thể, ở giai đoạn khởi phát, trẻ còn có thể khạc ra đờm trắng, màu trong, dính như lòng trắng trứng khi kết thúc cơn ho. Thậm chí, trẻ lớn hơn và thanh thiếu niên bị nhiễm ho gà có thể không có triệu chứng hoặc chỉ ho nhẹ mà không có bất kỳ biểu hiện đặc trưng nào (tức là kịch phát, ho khan, nôn sau ho).
Đối với trường hợp mắc bệnh ho gà ở trẻ lớn, do khả năng lây nhiễm cao, bé cần nghỉ học cách ly cho tới khi hết 5 ngày kháng sinh, hoặc nếu không dùng kháng sinh thì qua 21 ngày kể từ ngày bắt đầu triệu chứng. Cha mẹ cần dạy trẻ những biện pháp ngăn ngừa lây lan bệnh như: che tay khi ho, đeo khẩu trang, rửa tay thường xuyên. Bác sĩ Như đặc biệt nhắc cha mẹ lưu ý: “Ngay khi trẻ xuất hiện các dấu hiệu sốt cao, nôn nhiều, mất nước (khát nhiều, mệt mỏi, chóng mặt, lú lẫn, tiểu vàng đậm), cha mẹ cần đưa con đi khám ngay để được chẩn đoán và điều trị kịp thời”.
Để hỗ trợ điều trị ho gà ở trẻ lớn, cha mẹ có thể giúp bé kiểm soát cơn ho bằng cách hạn chế các hoạt động gây kích thích gây cơn ho như tập thể dục, hít phải không khí lạnh hay hút dịch mũi họng… Cha mẹ cũng cần chú ý cho bé uống nhiều nước và tăng calo trong khẩu phần ăn để cung cấp đủ năng lượng. Bác sĩ Tuấn Như căn dặn: “Nếu bé sốt nhẹ, cha mẹ nên chườm ấm để giảm nhiệt; có thể sử dụng thuốc hạ sốt paracetamol nếu con sốt cao trên 38.5 độ C."
10. Ho kích ứng
Tình trạng bị kích ứng từ môi trường cũng là một trong số những nguyên nhân phổ biến gây ho mạn tính ở trẻ. Cùng với việc ho dai dẳng kéo dài, nếu cha mẹ nhận thấy bé có thêm các triệu chứng như khó thở, thở khò khè, chảy nước mũi hay nghẹt mũi, phát ban da,... thì đó chính là “manh mối” cho thấy con đang bị “tấn công” bởi các chất kích thích từ môi trường đó.
Trong tình huống này, cách xử trí duy nhất là loại bỏ các tác nhân gây kích thích xung quanh bé. Đó có thể là các chất làm sạch, khử trùng (đặc biệt là các chất có mùi thơm, nặng mùi); nấm mốc trong các tòa nhà cũ; khói thuốc lá, ô nhiễm không khí; lông chó mèo hay các mạt bụi, v.v. Về tình trạng ho mạn tính do kích ứng, bác sĩ Tuấn Như chia sẻ: “Hầu hết các vấn đề chất lượng không khí trong phòng tại nhà có thể phòng ngừa được hoặc kiểm soát được. Lý tưởng nhất là cha mẹ cần tìm ra và loại bỏ nguồn phơi nhiễm nếu có thể để tránh trẻ tiếp xúc trực tiếp. Đặc biệt, người lớn trong nhà cần bỏ thuốc lá, hạn chế tối đa không để trẻ tiếp xúc với khói thuốc.”
11. Suy tim
Có những bé không may mắn mắc phải căn bệnh suy tim, khiến cho cơ thể kém phát triển và hầu như không thể vận động mạnh. Những dị tật bẩm sinh như vậy thường hiếm gặp và tiềm ẩn những nguy cơ rất nghiêm trọng. Bác sĩ Như cho biết thêm: “Ở trẻ bị suy tim, chân, tay, mí mắt thường bị sưng tấy, thậm chí đôi khi còn ở cả mắt cá chân và bụng. Các bé cũng thường cảm thấy khó thở, ho khan, thường rơi vào tình trạng chán ăn, mệt mỏi và phát triển thật thường.” Nhiều bé còn bị nôn mửa, đổ mồ hôi và xuất hiện tình trạng tắc nghẽn trong phổi nữa đó, mẹ ạ!
Bác sĩ Như căn dặn mẹ: “Phương pháp điều trị suy tim sẽ được xác định dựa trên các yếu tố: Tuổi, Tình trạng chung; Mức độ nặng của bệnh; Khả năng chịu đựng; Kỳ vọng về tiến trình của bệnh; Sự lựa chọn của gia đình…” Có những bé mắc suy tim do bẩm sinh thì cần phải phẫu thuật để tránh hệ quả sau này. Bác sĩ Như cho biết thêm: “Nếu nhẹ hơn, bác sĩ sẽ kê các loại thuốc như lợi tiểu và các loại thuốc ức chế để điều trị kịp thời các hiện tượng phát sính. Bên cạnh đó, bé cũng sẽ được hỗ trợ bằng các hình thức như truyền tĩnh mạch, hạ sốt và Paracetamol và truyền máu nếu trong tình trạng thiếu máu nặng.
Mẹ cần phải biết rằng, trẻ bị suy tim sẽ khó có thể phát triển bình thường như bạn bè đồng trang lứa vì khả năng hấp thụ dinh dưỡng kém. Vì vậy, hãy cho bé được vận động thoải mái, bổ sung vitamin và các dưỡng chất cần thiết cho cơ thể cũng như sử dụng thuốc điều trị theo quy định. Hãy theo dõi sát sao các triệu chứng của bé con và tái khám định kì theo lời dặn của bác sĩ mẹ nhé!
12. Tràn dịch màng phổi
Tràn dịch màng phổi nguy hiểm ở chỗ bệnh có thể có hoặc không có triệu chứng rõ ràng. Những triệu chứng phổ biến của bệnh là sốt cao hơn 39 độ, ho khan ở thời điểm ban đầu rồi chuyển sang ho có đờm khi tràn dịch vào màng phổi, cơn ho tăng dần khi vận động mạnh hoặc trở mình. Dấu hiệu khác biệt với các bệnh lý khác là cảm giác đau âm ỉ ngực ở bên tràn dịch, hoặc đau bụng trong viêm thùy dưới.
Khi thấy bé yêu có những dấu hiệu như khó thở, thở nhanh, ho ra máu, đau ngực dữ dội, sốt cao trên 39 oC, cha mẹ không nên chậm trễ, đưa con đến khám bác sĩ ngay.
Bác sĩ Như nhấn mạnh: "Tràn dịch màng phổi là tình trạng bệnh lý nặng nên phải điều trị và theo dõi tại viện. Sau điều trị, cha mẹ cũng không nên lơ là, mà nên theo dõi sát sao và cho trẻ tái khám 24-48 giờ sau khi xuất viện, tái khám mỗi tuần một lần trong tháng đầu tiên để theo dõi tình trạng sức khỏe của trẻ."
13. Tràn mủ màng phổi
Mặc dù hiếm gặp, tràn mủ màng phổi lại có thể gây ra những ảnh hưởng nghiêm trọng đến cơ thể bé đó, mẹ à.
Bệnh có thể khởi phát với một cơn sốt cao đột ngột, cảm giác khó thở và đau âm ỉ ngực ở bên tổn thương. Tiếng ho khan hoặc ho có đờm mủ có thể là những dấu hiệu cho bệnh lý này. Những trẻ từng có tiền sử bệnh lý về viêm phổi, viêm cơ, nhiễm trùng da sẽ dễ có nguy cơ mắc bệnh này hơn.
Bởi đây là tình trạng bệnh lý nặng, bác sĩ Như lưu ý: "Cha mẹ không nên tự điều trị cho con tại nhà. Ngay khi thấy trẻ có những dấu hiệu như khó thở, thở nhanh, ho ra máu, đau ngực dữ dội, sốt cao trên 39 oC, cha mẹ nên đưa con nhập viện để các bác sĩ điều trị và theo dõi kĩ lưỡng. Thông thường, nếu diễn tiến tốt, bé yêu có thể được xuất viện sau 3 tuần lễ. Cha mẹ nên lưu ý đến lịch tái khám 2 tuần 1 lần, liên tục trong thời gian 2 tháng sau khi xuất viện, hoặc tái khám sớm hơn nếu bé có biểu hiện bất thường."
14. Tràn khí màng phổi
Khi thấy con mình xuất hiện những triệu chứng ho khan thông thường, không ít phụ huynh chủ quan tự điều trị tại nhà. Họ không biết rằng, ho khan cũng có thể đó là dấu hiệu sớm của tràn khí màng phổi! Đây là quá trình tích tụ khí trong khoang màng phổi, gây xẹp phổi về phía rốn phổi và tràn dịch. Tràn khí màng phổi là một bệnh lý vô cùng nguy hiểm, gây suy hô hấp đột ngột và khiến trẻ tử vong nếu không được điều trị kịp thời đó mẹ ạ!
Khó ở chỗ, căn bệnh này không có những dấu hiệu nhận biết cụ thể. Bác sĩ Như chia sẻ: “Ngoại trừ những dấu hiệu sớm như: ho khan, đau nhói ngực, khó thở, thở nhanh, nhịp tim nhanh, rút lõm lồng ngực… thì hầu như không có thêm triệu chứng nào trong giai đoạn bộc phát. Chỉ đến khi trẻ bị giảm ý thức, hạ huyết áp, nổi tĩnh mạch cổ đến tím tái mặt mày thì khi đó gần như đã quá muộn.”
Tùy thuộc vào tình trạng của bé, bác sĩ sẽ có những phương pháp điều trị khác nhau. Bác sĩ Như cho biết: “Bé sẽ được thở oxy nếu ổn định khi bị tràn dịch theo thể tích nhỏ. Nếu lượng dịch lớn hơn thì bác sĩ có thể cân nhắc chọc hút khí màng phổi bằng kim luồn. Còn nếu rơi vào trạng thái không ổn định, gây khó thở nặng và đau đớn dữ dội thì sẽ tiến hành chọc khí màng phổi và đặt ống dẫn lưu. Các bác sĩ cũng sẽ cân nhắc phẫu thuật nếu tình trạng không cải thiện sau 4-7 ngày dẫn lưu.” Sau khi điều trị cha mẹ hãy theo dõi bé liên tục cũng như tái khám theo chỉ định của bác sĩ để sát sao tình trạng sức khỏe của con. Nếu các dấu hiệu như đau ngực hay khó thở tái phát, cha mẹ cần lập tức cho con nhập viện ngay để can thiệp kịp thời, giúp giảm thiểu những hậu quả đáng tiếc sau này.
Trả lời